Bồ Công Anh Bất Diệt - Dạ Đích Đệ Thất Mộng - Chương 7
13.
Mẹ tôi hít một hơi thật sâu, quay lại rồi cười: “Em hơi say chị ạ, chị tự rửa bát đi!”
Ra khỏi nhà bác, mẹ đi nhanh hơn, bước được vài bước, bà bỗng cười to.
Cứ cười mãi rồi khóc tự lúc nào không hay.
Bà quay lại ôm tôi: “Hạ Hạ, con gái của mẹ, con đã lấy lại mặt mũi cho mẹ!”
“Chưa bao giờ mẹ có thể diện như hôm nay.”
“Chờ Thu Thu thi đỗ nữa thì mẹ có thể thẳng lưng làm người rồi!”
Tôi rất muốn nói với mẹ rằng: Mẹ à, dù không có con trai mẹ cũng cứ đàng hoàng mà sống. Cuộc đời là của mình, không cần quan tâm mấy lời người ngoài nói làm gì.
Nhưng tôi biết mẹ không làm được.
Bà không thể thoát khỏi quan niệm đã khắc sâu vào xương máu ấy.
Cách duy nhất để giúp mẹ là tôi và em gái không ngừng vươn lên. Chúng tôi sẽ trở nên ưu tú, thành niềm vinh quang và tự hào của mẹ.
Tin tức loan ra rất nhanh, đến tối cả thôn ai cũng biết tôi đỗ đại học.
Mọi người đều bất ngờ bởi tôi vốn là người không có thiên phú trong học tập.
Ba tôi tay đút túi quần, đi dạo từ đầu tới cuối thôn.
Đến khi về nhà, ông lôi ra từ trong túi mười mấy điếu thuốc, đều là người khác cho.
Mẹ tôi ra ao giặt quần áo cũng thành tâm điểm chú ý của các cô, các dì. Mấy ngày liền mặt bà đỏ bừng vì ngại.
Ngày điền nguyện vọng, tôi gặp lại Giang Tâm.
“Cậu thi thế nào rồi?”
“Hơn 8 điểm so với điểm chuẩn năm ngoái, chắc là ổn thôi. Nhưng tiếc là không đúng ngành tớ muốn học.”
“Thế sao giờ?”
“Vẫn học chứ sao!” đôi mắt cô ấy sáng rực, “Đến nơi ắt có cách.”
Giáo viên chủ nhiệm gặp riêng tôi.
“Trịnh Hạ Hạ, nếu học lại một năm nữa, cô nghĩ em sẽ đỗ trường trọng điểm.”
Chắc chắn ba mẹ tôi sẽ không đồng ý.
Tôi lắc đầu: “Vậy là được rồi ạ, em không học lại đâu.”
Giang Tâm quàng vai tôi: “Đừng có nản nhé, sau này học nghiên cứu cũng được, với nghị lực của cậu á, Phục Đán cũng vào được hết!”
“Tớ chờ cậu ở Phục Đán!”
Tôi điền nguyện vọng vào tờ xét tuyển đợt hai và xin đăng ký khoản vay hỗ trợ sinh viên.
Khi được ba mẹ coi là niềm tự hào, tôi cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ mở sang một chương mới.
Nhưng thật ra có nhiều chuyện vẫn chẳng hề thay đổi.
Nghỉ hè, tôi vừa phụ mẹ bán hủ tiếu xào, vừa đi làm thêm nhiều việc khác nhau.
Có một cửa hàng mới khai trương, cần thuê người đứng Mascot(*).
(*)Người đứng Mascot: Người mặc đồ đóng giả làm thú bông.
Sau cả một ngày mặc bộ đồ thú bông dày cộp đứng dưới tiết trời 38 độ, tôi mệt đến cạn kiệt sức lực.
Về đến nhà, tôi nhìn thấy có quả dưa hấu đang ngâm trong chậu.
Tôi vội vàng chạy đến, đang định cầm dao muốn bổ ra thì mẹ quay lại.
Bà cầm lấy tay tôi: “Chờ em về thì ăn, con bé đi học về sẽ nóng lắm cho xem.”
“Con muốn ăn bây giờ.”
“Chờ một tiếng thôi mà không được à?” Mẹ cau mày, “Vội thế làm gì?”
Mẹ cứ càm ràm không ngừng, cuối cùng trước sự nài nỉ của tôi bà vẫn bổ quả dưa kia ra.
Đến khi ba về, cả nhà đang ngồi ăn cơm bà lại lôi vụ quả dưa ra trách tôi.
Nhưng mẹ ơi, nếu em gái muốn ăn mẹ có để con bé chờ đứa con này một giây nào không?
Ngày khai giảng rất nhanh đã đến.
Mẹ cho tôi 500 đồng.
Hai tờ 100, ba tờ 50, còn lại là một chồng tiền hào cộng lại vừa đủ 20 đồng.
Bà đếm đi đếm lại ba lần: “Giờ quản lý thành phố càng lúc càng nghiêm, việc buôn bán của mẹ không được tốt, chủ thầu của ba con thì mãi không chịu trả lương, tiêu tiền nhớ phải dè xẻn.”
“Ở trên thành phố nhớ phải ngoan ngoãn, không được gây chuyện, biết chưa?”
Khi đưa tiền cho tôi bà rút lại tờ 100 đồng: “Lúc nghỉ hè con cũng tự đi làm thêm nhiều việc rồi nên chắc vẫn còn tiền nhỉ?”
14.
Tối đến, em gái lén đưa cho tôi 200 đồng.
“Tiền ở đâu ra đây?”
“Năm nào ăn Tết cô cũng lén cho em 100 đồng, em tiết kiệm hết.”
Thấy không.
Những đứa trẻ thông minh lúc nào cũng được quý hơn, có nhiều đặc quyền hơn người khác.
Tôi tự an ủi bản thân không cần để ý làm gì: Lên đại học mình có thể đi làm thêm mà, chắc hẳn sẽ tự nuôi được mình thôi.
Nhưng thực tế thì không như tôi tưởng tượng.
Khu vực trung tâm tỉnh có rất nhiều trường đại học, trong đó có hai trường 985 và một trường 211(*).
(*)Các trường 985 và 211: là những trường trọng điểm bên Trung Quốc. Nhắc đến các trường này khi sống ở Trung Quốc khá giống như khi chúng ta nghĩ về các trường HUST, NEU, FTU, HMU,… ở Việt Nam.
So với mấy trường đó, trường đại học hạng hai nho nhỏ của chúng tôi không đáng nhắc tới.
Khi phỏng vấn làm gia sư, người ta vừa nghe đến tên trường tôi đã từ chối.
Tôi chỉ đành phát tờ rơi vào cuối tuần, hoặc đi chào hàng cho mấy cửa hàng mới khai trương.
Mấy việc này rất ít, cạnh tranh thì gay gắt mà người môi giới còn ăn rất nhiều tiền hoa hồng.
Trời xui đất khiến thế nào mà tôi kiếm được việc làm thêm buổi tối ở một quán trà thương mại.
Làm từ 5 giờ chiều đến 11 giờ rưỡi đêm.
Ký túc xá khóa cửa lúc 11 giờ đêm nên tháng nào tôi cũng mua chút trái cây cho dì quản lý, có khi còn mang ít đồ ăn thừa khách không động đến ở quán trà, gói lại cho bà.
Vì thế mà dì quản lý để cửa cho tôi.
Tôi có thể tiết kiệm tiền cơm tối nhờ ăn đồ thừa ở chỗ làm.
Ban đầu tôi chỉ làm một phục vụ bình thường.
Một tháng được 1200, rất vất vả.
Sau đó tôi phát hiện trà sư trong tiệm có tiền lương rất cao, công việc cũng nhẹ nhàng hơn.
Vì vậy, cứ khi có thời gian tôi lại đến đại học nông nghiệp học ké, trường họ có mở một khóa học về trà.
Khi ấy tôi bận như con quay.
Ban ngày thì đi đi lại lại giữa trường mình và đại học nông nghiệp, tối đến thì tới quán trà làm việc.
Ngày nào cũng phải hơn 12 giờ mới lên giường, nhắm mắt là vào giấc.
Mở mắt ra tôi lại thành chiến sĩ tràn đầy năng lượng
Kỳ thi của trà sư đơn giản hơn so với thi đại học rất nhiều.
Tôi thi trung cấp, tiền lương tăng thêm 600.
Thi tiếp cao cấp lại tăng thêm 600 nữa.
Đến cuối năm nhất, lương cơ bản của tôi đã là 2400.
Có một vài vị khách sẽ mua loại trà tôi giới thiệu, thế là lại kiếm thêm một khoản, mỗi tháng tôi sẽ nhận được khoảng 3000.
Khi đó, mức lương khởi điểm trung bình của các chị mới tốt nghiệp chuyên ngành tôi học mới chỉ được khoảng 2000.
Năm ấy, em gái tham gia kỳ tuyển sinh cấp ba đạt top 30 của huyện.
Trường trọng điểm của tỉnh liên hệ với ba mẹ, họ muốn nhận em gái tôi vào học.
Trường cấp ba Nhất Trung ở huyện muốn giữ lại nhân tài nên đã đề nghị sẽ miễn học phí và cung cấp chỗ ở.
Bà nội và bác gái kịch liệt phản đối ý kiến lên thành phố.
“Phân vân cái gì nữa, đương nhiên là học ở trường Nhất Trung rồi!”
“Trên thành phố học phí và chi phí sinh hoạt cao ngất, nhỡ không đỗ đại học thì có khác gì vứt một đống tiền qua cửa sổ không?”