Đông Phong Bất Dữ - Chương 132: C132: Hiến kế
Y vừa nói vừa cúi mặt xuống đất, trong ánh mắt loé lên một tia thâm hiểm: “Vậy nên nhi thần nghĩ, thay vì rập khuôn như vậy, chi bằng đổi mới bằng cách để người từng làm Trạng Nguyên của kì thi lần trước đảm nhiệm chức Chánh Chủ Khảo, ra đề cho kì thi lần này, như vậy mọi thứ sẽ được diễn biến một cách công tâm nhất.”
– Hai chữ công tâm này mang nghĩa gì đây?
“Nhi thần may mắn nhận được thánh ân, từ đó mới có cơ duyên vào học ở Quốc Tử Giám. Nho sinh ở Quốc Tử Giám không chỉ có vương công quý tộc mà còn có cả con cháu thế gia. Ngần ấy năm, nhi thần đều nhìn thấy các thầy dạy mẹo cho nho sinh đi thi, chuyện này mà nói với các thí sinh khác thì không công bằng ạ.” – Với bản thân y mà nói, y chúa ghét mấy thằng xài mẹo. Y thấy nó dơ dơ sao ấy, bộ thực lực không đủ dùng nhưng vẫn muốn trèo cao hay gì?
Bất Ly dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Hàng năm các thế gia, triều thần đều muốn hài nhi nhà mình nhập quan trường, củng cố địa vị. Chuyện này đối với bệ hạ vạn lần bất lợi. Giả dụ như cả Quân triều ta chỉ toàn là người của nhà họ Kim, Giáp, Ất các thứ, tiền triều sẽ biến thành sân sau của nhà họ, lúc đấy nếu họ rắp tâm mưu phản, đá đổ hoàng vị, chuyện chuyển tên nước, đổi quân chủ sẽ là việc hoàn toàn có thể xảy ra.”
– Hỗn xược!
“Nhi thần nhìn thực tế mà nói hậu vận, thưa bệ hạ.” – Mặc cho Hoàng Đế bắt đầu tỏ thái độ không vui trước những câu từ của y, Bất Ly vẫn cứ cứng rắn như vậy. Y không biết sợ, cũng chả có việc gì phải sợ. Đây rõ ràng là chuyện trước mắt, nếu Hoàng Đế cứ một mực cho rằng y hỗn thì chỉ có thể là hôn quân hại nước hại dân, làm vua mà không biết nghĩ chuyện về sau thì cần cớ chi giữ lại?
– Được, nếu theo ý ngươi, đến lúc triều thần đùng đùng phản đối, ngươi xử lí thế nào?
“Chỉ một chữ: Trảm.” – Y cúi đầu hành lễ. – “Bệ hạ là thiên tử, lệnh vua như lệnh trời, đây lại còn là lo cho vận nước, nếu cả gan dám cãi chính là mang mưu đồ tạo phản, chống lại Đại Hưng, không thiết giữ lại thưa bệ hạ.”
Hoàng Đế bỗng chợt im lặng, trầm tư suy nghĩ. Nhận thấy người có vẻ đã sắp xuôi theo mình, Quân Bất Ly lại tiếp tục tâu: “Tân khoa lần trước là người xuất thân hàn vi, chưa từng qua trường lớp đào tạo, chính vì vậy nếu để ngài ấy ra đề, đề thi sẽ công bằng nhất cho tất cả. Phác Thượng Thư từng rất nhiều lần lên án chuyện xài mẹo, hoặc nói thô ra là chửi cả đề, ngài ấy sẽ là người có góc nhìn trực quan nhất cho việc này, thưa bệ hạ.”
Còn sao y biết Thục Xuyên chửi đề và lên án chuyện xài mẹo?
Y bịa, chứ biết mẹ gì đâu.
Nhìn cái giề? Đây là mẹo để lời bẩm tấu có căn cứ hơn đấy! Sống trong quan trường, cái gì mình biết thì mình thưa, cái gì không biết, không rõ thì mình bịa thôi. Thêm mắm dặm muối, tới khi nào thấy được thì dừng, nêm nhiều quá thì đi luôn nồi canh mất.
Kệ mịa nó, dù sao Hoàng Đế cũng có biết Thục Xuyên ngoài đời thế nào đâu.
– Được, vậy chuyện này trẫm giao cho ngươi làm. Liệu hồn mà làm cho tốt vào!
“Chuyện này một mình nhi thần thì e là hơi khó, vốn dĩ Phác Thục Xuyên không phải chỗ thân thiết với nhi thần ạ.”
– Vậy ngươi muốn gì nữa?
“Nhi thần không xin gì nhiều, chỉ mong nhị ca có thể giúp một chân nhưng nhị ca trăm công ngàn việc, nhi thần căn bản không gặp nổi y.” – Bán thảm, bán thảm, lại bắt đầu bán thảm. Cái văn bán thảm này xài từ xưa tới giờ nhưng lần nào cũng thành công, không bao giờ lỗi thời. Đây gọi là biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
– Được, lui đi.
“Tạ ân thánh thượng.” – Y quỳ xuống hành lễ, thôi lễ đi lùi ra bên ngoài. Sau khi Quân Bất Ly rời đi, Trác Xiển Ninh cũng đi từ hướng ngược lại mà tiến vào nội điện. Trên tay gã ta cầm một cái chén thuốc đen ngòm, nhìn sơ là thấy đắng đến tận ba đời sau khi uống vẫn còn nghe vị thuốc. Công công đến trước hoàng đế, đoạn nhún người, kính cẩn quỳ nhưng vẫn thẳng lưng mà dâng thuốc.
– Bệ hạ, thỉnh ngài ngự.
“Phải uống đến chừng nào đây?” – Thần sắc Quân Thư Triệt có vẻ không tốt khi nhìn vào chén thuốc đó. Cũng phải thôi, đen đến kinh người như vậy cơ mà. Mặc dù biết là nó khiếp đảm tới vậy nhưng hắn vẫn phải uống vì thuốc đắng giã tật, không uống mai khéo thằng Hối lên làm vua thật.
Trác Xiển Ninh không nói gì, chỉ khẽ cúi mặt xuống. Bản thân gã không biết bệ hạ hỏi thật sự hay chỉ đơn thuần là một câu cảm thán, cái gã biết là ngài sẽ còn phải uống như vậy rất lâu, cơ mà nhìn mặt bệ hạ nhà mình có vẻ là chịu hết nổi rồi.
– Ngươi nói xem, tố chất của một minh chủ là gì?
Hoàng đế lại đột nhiên hỏi, một câu khó lòng mà trả lời. Trác Xiển Ninh mặc dù không biết nên nói gì nhưng cũng chả thể yên lặng trước chủ, chỉ đành họa một câu nhất tri bán giải: “Minh quân như ngọc, minh chủ thế nào, thần tử chỉ có thể nghe theo, không dám phán xét thưa bệ hạ.”
– Ngươi cứ nói, trẫm cho phép.
Trác Xiển Ninh cười khổ, rồi vội giấu nụ cười đó vào trong. Gã mà biết làm minh chủ thế nào thì gã đã không phải hoạn quan nhưng mà chủ hỏi thì gã phải làm sao đây? Trác Xiển Ninh có nỗi khổ tâm, đế nhà mình nhiều lúc anh minh sáng suốt nhưng vẫn lắm khi xàm ngôn vô tri: “Hựu trí hựu dũng, văn võ song toàn, lại phải biết trước đẹp lòng dân sau đem lợi ích quốc gia để trên đầu, ắt là minh chủ.”
– Bệnh tình thế này, có lẽ trẫm cũng đã sắp đến lúc đi gặp phụ hoàng rồi. Ấy vậy mà những đứa con ruột của trẫm, đứa có trí lại chẳng đủ dũng, đứa có dũng thì lại để thần hồn át thần tính.
“Bệ hạ phúc như đông hải, xin người đừng nói vậy.” – Nghe đến đây, tổng quản công công quỳ xuống trước thánh thượng.
– Còn thua một đứa con nuôi.
Dứt lời, Hoàng Đế bỏ vào trong nội điện, không một câu giải thích.
Haizz.
Phận nô bộc nghe chửi thay cơm, giận cá chém thớt như này, Trác Xiển Ninh cũng quen rồi.