Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca - Chương 86
Hoàn Doãn thất bại trong trận Nghĩa Dương, bèn quyết đoán rút toàn bộ binh mã về, chỉnh đốn sơ qua rồi điều liên quân tam tộc Nhu Nhiên, Thổ Dục Hồn và Nhung Địch tiến đánh Tương Phàn. Bộ Vương Huyền Hạc chuẩn bị chiến tranh ở Tương Dương đã lâu, ỷ vào lợi thế thuyền bè, kìm chặt kị binh của Hoàn Doãn, sau mấy ngày, công thành không thành công, đã dần đến mùa nước lên, từ Hán Thủy đến Hoài Đông, nước sông dâng mạnh, đại quân nhánh đông của Phàn Đăng ngừng chiến, Hoàn Doãn bất đắc dĩ, cũng đành nghe lời Châu Tuần Chi thuyết phục, rút đại quân về Nam Dương đóng quân, chờ vào thu tái chiến.
Nguyên Hồng nhận chiến báo, mừng rỡ khôn xiết, lệnh Vương Huyền Hạc và Đàn Quyên đóng giữ Tương Dương và Nhạc Dương, Đàn Đạo Nhất áp giải tù binh về Kiến Khang để luận công ban thưởng và thương nghị chiến sự sau khi vào thu.
Đi thuyền thuận thế nước dâng giống như tên rời cung, chẳng mất mấy ngày đã bỏ lại núi non Kinh Ung nghìn trùng thật xa sau lưng, qua Giang Châu thì chỉ còn cách Kiến Khang khoảng ba bốn ngày đường.
Mưa đêm ở Ba Sơn xối con thuyền ba lá trơn bóng. Đang là thời điểm hai quân đối chọi gay gắt, trạm gác san sát dọc bờ sông, thi thoảng lại có đèn đuốc bập bùng trên vọng gác lướt qua trước mắt. Đàn Đạo Nhất mặc áo tơi, đứng ngoài khoang thuyền xem xét tình hình trạm gác, lúc trở vào khoang, A Na Côi đang đắp một tấm áo bào ngủ gà ngủ gật dưới đèn.
Tạ thị để nàng lại chăm sóc sinh hoạt cho Đàn Đạo Nhất, nhưng nàng làm thị tì vô cùng qua loa, hằng ngày không phải đang ngẩn ngơ thì cũng là ngủ gật. Đàn Đạo Nhất không bắt ép nàng, thấy áo bào rơi xuống mặt đất, bèn nhặt lên choàng lên vai A Na Côi rồi khoanh chân ngồi ở sau bàn, nương ánh đèn giở sớ tấu ra.
Nhân trận đầu thắng lợi, sĩ khí đang cao, Nguyên Hồng bèn truy phong Nguyên Tu với danh nghĩa hoàng đế, đồng thời yêu cầu Hoàn Doãn cho phép sứ thần dời lăng mộ Nguyên Tu từ Mang Sơn về Kiến Khang. Hoàn Doãn nhận quốc thư, cười lạnh, “Lúc đó Nguyên Hồng cúi đầu xưng thần để xin một cái mạng dưới tay ta, chẳng qua mới ba năm đã bội tín thất ước, hạng tiểu nhân đê hèn này, ta thấy ông trời cũng sẽ chẳng tha cho nó sống sót qua mùa xuân sang năm.” Đốt rụi quốc thư, y chẳng buồn để ý đến sự khiêu khích của Nguyên Hồn nữa, chỉ lệnh Châu Tuần Chi dẫn thuộc tướng trắng trợn đóng chiến thuyền, ngày đêm luyện binh, lập thệ thu này sẽ vung roi đến Trường Giang.
Trải qua lần thất bại tại Nghĩa Dương, Hoàn Doãn giữ bình tĩnh tốt hơn ban đầu rất nhiều.
Mà Nguyên Hồng hai năm không gặp thì đang một mình giao thiệp cùng quan viên văn võ trong triều, đã sớm không còn là cậu thiếu niên non nớt ở chùa Thiên Bảo trước kia.
Trận chiến sắp tới vào thu này ắt hẳn sẽ dậy lên sóng gió kinh hoàng trên dòng sông này.
Dàn Đạo Nhất cầm bút lên, viết tấu sớ trình cho Nguyên Hồng. Trong tấu sớ, mọi việc lớn nhỏ đều được nêu ra, thuật lại đầu đuôi trận Nghĩa Dương, đầu bút dừng lại, chàng nói: “Thêm dầu thắp đèn.”
A Na Côi giơ tay che môi đỏ, nhẹ nhàng ngáp, ban nãy nàng thiếp đi say sưa trong tiếng mưa lộp độp ru ngủ bên ngoài, lúc này ánh mắt hãy còn mơ màng. Thấy dầu thắp cháy hết, nàng lắc đầu, nói: “Khuya rồi, tôi muốn ngủ.”
Đàn Đạo Nhất bảo nàng chờ, “Ta còn chưa viết xong.”
A Na Côi làm lơ, quay đầu ra nhìn ánh đèn phiêu diêu ven bờ trong màn mưa. Lượng trạm gác ngày một dày, nàng nói: “Sắp đến Kiến Khang rồi.”
Đàn Đạo Nhất dừng tay, ngước mắt nhìn A Na Côi. Trên mặt nàng, trong sự bình tĩnh pha lẫn chút phiền muộn, không thể nói là có bao nhiêu hoài niệm, đại khái là vì khi ở Kiến Khang, nàng luôn phải ăn nhờ ở đậu, vắt óc nghĩ kế lấy lòng người khác, không phải là cuộc sống trong lý tưởng.
Chàng nhìn một hồi rồi thu mắt, có tì nữ đi vào thêm dầu thắp đèn, buông mành trúc đang cuộn lên xuống. Tầm mắt A Na Côi bị ngăn trở, trong lòng nàng ngột ngạt, chỉ vào tì nữ kia, nói với Đàn Đạo Nhất: “Tôi không biết đọc sách, cũng không biết thêm hương, anh sợ thì bảo nàng ta ở lại đây cùng anh đi.”
Tì nữ vội lui ra ngoài, Đàn Đạo Nhất nói: “Bây giờ không phải cô biết rất nhiều chữ à?” Chàng đang liệt kê tên tướng lĩnh phe địch bị bắt, chậm rãi viết hai chữ Tiết Hoàn lên giấy, chàng đặt bút xuống, gọi A Na Côi: “Lại đây, xem xem ta đang viết gì.”
A Na Côi chẳng có chút hứng thú nào với chiến sự, nàng lắc đầu, “Tôi không biết chữ, xem không hiểu.”
Đàn Đạo Nhất cười khẽ, không gọi nàng nữa, thổi khô nét mực, phong kín tấu sớ rồi giao cho tùy tùng.
Đến Kiến Khang, tất cả quân địch bị bắt nhưng chưa đầu hàng đều bị giải vào lao ngục. Tạ thị dẫn tì nữ ra bên ngoài Đàn phủ nghênh đón, tháy A Na Cô vẫn được Đàn Đạo Nhất mang theo bên mình như hình với bóng, trong lòng hơi không vui, ngoài mặt lại không để lộ, nói với Đàn Đạo Nhất: “Thiếp sai người tu sửa lại trong phủ, không biết trông có còn giống trước đây hay không.”
Tạ thị cẩn thận, sau khi trở về Kiến Khang đã tìm lại không ít nô bộc cũ làm việc trong phủ họ Đàn trước kia, khôi phục lại nguyên dạng phủ đệ đổ nát hoàng tàn, mà mấy khóm trúc xanh thì lại càng thêm tươi tốt xanh rì trong mấy năm không ai chiếu cố. Đàn Đạo Nhất lắng tai nghe gió reo vi vu, ngoái đầu nhìn lại, mái cong của Hoa Nùng biệt viện đã sắp bị cành lá trúc xanh che khuất. “Trong đó có ai ở không?”
“Không có,” Tạ thị mỉm cười, “Để Như Như ở đấy đi… Không phải trước kia em ấy cũng ở đấy à?”
“Tùy nàng.” Đàn Đạo Nhất đi vào phòng ngủ ngày xưa, thấy cung bọc ngọc treo trên tường, sáng bóng không dính một hạt bụi. Tạ thị đi tới, định xua tì nữ đi mời chàng tắm rửa thay y phục để vào cung yết kiến. Trước mặt triều thần, Nguyên Hồng chẳng mảy may che giấu lòng tưởng niệm đối với Đàn Đạo Nhất, đã hỏi đến mấy lần về hành trình của chàng.
“Không vội,” Đàn Đạo Nhất nói, “Ta đi Trung quân phủ trước đã.”
Kiến Khang bây giờ, đâu đâu cũng có chút gì đó xa lạ, bởi nó là một tòa vương thành mới dựng lên trên gạch vỡ ngói vụn của phế tích cũ. Đàn Đạo Nhất đi ngang qua vườn Đào Hoa, chùa Thiên Bảo, cũng chẳng nghỉ chân nhiều, tới thẳng Trung quân phủ. Thị vệ trong phủ đông đúc, canh chừng quân địch bị tạm giam ở đây.
Chàng đi vào một ngục thất, Tiết Hoàn bị nhốt một mình bên trong.
Hơn một tháng không thấy ánh mặt trời, Tiết Hoàn gầy đi hẳn, luộm thuộm dơ dáy, bị tia sáng lọt qua khe hở khi Đàn Đạo Nhất mở cửa tiến vào đâm chói, hắn nhanh chóng híp mắt, sau đó ngồi dậy, tựa vào tường. Giọng Tiết Hoàn hơi khàn, hỏi: “Thăm lại chốn xưa, có phải nhiều cảm khái lắm không?”
Đàn Đạo Nhất nhìn quanh bốn phía, nói: “Nơi này thì vẫn như xưa.” Ý là những nơi khác đã một trời một vực so với quá khứ.
Tiết Hoàn khẽ hừ. Hắn biết Đàn Đạo Nhất cố ý giam giữ mình ở đây. Năm xưa chính tại đây, hắn đã ăn roi của Đàn Đạo Nhất và Vương Huyền Hạc, hiện giờ lại bị trói gôm quả thực không có hứng hoài cựu. Hắn nhắm mắt, thà đi ngủ dưỡng thần còn hơn.
“Ngươi nhất định nhận ra thứ này.” Đàn Đạo Nhất nói, thấy Tiết Hoàn mở mắt, lúc ánh mắt chạm đến tràng hạt trong tay chàng, vẻ mặt hắn sững lại, ngay sau đó bắt đầu lạnh thấu xương – Đàn Đạo Nhất cố ý nắn vuốt hạt gỗ, đầu ngón tay chạm đến vết máu thấm sâu vào hạt gỗ, chàng cau mày, “Ta còn nhớ vết máu này dính vào lúc ngươi hành thích Võ Lăng vương ở chùa Thiên Bảo khi xưa – đây là máu của ngươi hay của ngài ấy?”
Tiết Hoàn cười một tiếng nửa thật nửa giả, “Là máu của ta, bẩn lắm, ngươi có thể trả nó lại cho ta không?”
Đàn Đạo Nhất lắc đầu, nắm tràng hạt trong lòng bàn tay, chậm rãi nói: “Ta vốn định đốt nó nhưng sau không đốt, vật này hơi cổ quái.”
Tiết Hoàn nói: “Vật này ai thờ Phật chẳng có, có gì cổ quái đâu.”
“Có chứ.” Đàn Đạo Nhất rất khẳng định, chàng chắp tay sau lưng đi đến trước mặt Tiết Hoàn, nhìn từ trên xuống đánh giá hắn, “Mấy năm nay ta cứ nghĩ mãi, chỉ dựa vào một mình ngươi, bằng cách nào có thể gây sóng gió ở Kiến Khang? Ngươi bị thương năm lần bảy lượt, lần ở chùa Thiên Bảo lại còn có cấm vệ lớp lớp, đã tìm được đường sống như thế nào? Là ai giao du rộng rãi, thăm dò bí mật của từng phủ đệ ở Kiến Khang, mật báo cho Lạc Dương?”
Tiết Hoàn im lặng nghe, không nói một lời.
“Nghe nói là ngươi cầu quan cho Huyền Tố trước mặt Hoàn Doãn?” Đàn Đạo Nhất bỗng nói, thấy mặt Tiết Hoàn không có biểu cảm gì, chàng càng thêm chắc chắn với phỏng đoán trong lòng, mỉm cười, “Thế nên, các ngươi là quăng sang trái mộc đào, đáp tặng món ngọc dao1, hay…” Chàng thoáng dừng lại, “Ngươi là Vương Noản, ‘ngai vị đã mất thiên hạ, cành lá hãy còn đùm nhau’2?”
1 Hai câu thơ trong bài Mộc qua 2, thuộc Kinh Thi.
2 Chu Vương Noản là vị vua cuối cùng của nhà Chu, về sau bị phế truất, biếm làm thứ dân. Thời gian ông trị vì là giai đoạn cuối của thời Chiến Quốc, khi quyền lực thực tế của nhà Chu đã suy yếu trầm trọng, chỉ còn giữ vai trò tượng trưng. Câu thành ngữ “Ngai vị đã mất thiên hạ, cành lá hãy còn đùm nhau” chỉ việc ngai vị của vương triều nhà Chu đã mất đi quyền lực thực tế, nhưng hậu duệ và bề tôi tàn dư vẫn cố gắng níu giữ ủng hộ hoàng tộc.
Tiết Hoàn không tỏ rõ ý kiến: “Tai mắt của ngươi cũng không ít nhỉ, Châu Tuần Chi đúng là lấy đá nện chân mình.”
Đàn Đạo Nhất bị hắn ngắt lời, cũng chẳng để tâm, vẫn đang suy tư, “Ta có biết một chút về lai lịch của Huyền Tố, nguyên quán của lão là ở Bột Hải, vì tránh họa Tề vương mà lưu lạc Giang Nam. Ngươi cũng là người Bột Hải, lại từng này tuổi… Ngươi nhất định là họ Hoàn, tên thật của ngươi là gì?”
Tiết Hoàn phì cười, lắc đầu nói: “Ta họ Hoàn, họ Nguyên hay họ Tiết thì cũng có gì khác nhau? Chẳng lẽ ta họ Hoàn thì ngươi chịu thả ta?”
Thấy không thể cậy miệng moi được gì từ Tiết Hoàn, Đàn Đạo Nhất đăm chiêu chốc lát, xoay người định đi. Tiết Hoàn gọi giật chàng lại, hắn nhìn tràng hạt trong tay Đàn Đạo Nhất, sắc mặt hơi lạnh, “Ngươi thích cướp đồ của người khác đến vậy sao?”
Đàn Đạo Nhất phá ra cười, tung tung tràng hạt trong tay, cố ý nói: “Ngươi mấy lần đại nạn không chết, chẳng lẽ nó thực sự là bùa hộ mệnh của ngươi? Không còn bùa hộ mệnh nữa, để ta xem lần này ngươi chết hay sống?” Cất tràng hạt đi, chàng hồi phủ thay y phục rồi vào cung yết kiến Nguyên Hồng.
Nguyên Hồng gặp được Đàn Đạo Nhất, quả nhiên vô cùng kích động, cậu là một thiếu niên mười lăm tuổi, vóc người đã sắp bằng Đàn Đạo Nhất, trước mặt cung sử, Nguyên Hồng kiềm chế cơn kích động muốn nhảy cẫng lên của mình, giơ ngón tay lau nước mắt ẩn hiện, cười nói: “Thái phó, mời ngồi.”
“Thái phó?” Còn chưa luận công ban thưởng, Đàn Đạo Nhất nghe thấy xưng hô này, hơi kinh ngạc.
“Phải, khi xưa ở chùa Thiên Bảo, phủ quân có ơn dạy bảo với ta, đáng lí nên gia phong thái phó.”
Tấm lòng Nguyên Hồng chân thành, Đàn Đạo Nhất không chối từ, bèn tạ ơn. Sau đó bàn sang chiến sự, Nguyên Hồng đã đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm tấu sớ của Đàn Đạo Nhất mấy lần, vô cùng chú ý đến cái tên Tiết Hoàn, “Hắn chính là kẻ đã hành thích Võ Lăng vương năm đó?”
“Chính hắn.”
“Tội đáng muôn chết.” Nguyên Hồng nói xong, chau mày suy tư, vì biết quan hệ giữa Đàn Đạo Nhất và Tiết Hoàn không tốt, Nguyên Hồng hơi do dự, hỏi: “Lúc Phàn Đăng dẫn thủy quân xuôi nam tập kích, ta đã hạ chiếu hủy bỏ hôn sự giữa tỷ tỷ và Phàn gia, Hoàn Doãn không chịu thả tỷ tỷ về Kiến Khang, đưa tỷ tỷ đến Mang Sơn tu hành, chẳng biết bây giờ thế nào rồi.”
Đàn Đạo Nhất biết Nguyên Hồng và Mậu Hoa từng sống nương tựa lẫn nhau, thủ túc tình thâm, “Với tính tình của điện hạ, ở Lạc Dương cũng không đến nỗi dẫn họa sát thân ngay, chỉ là hiện giờ e rằng cũng rất nhớ bệ hạ.”
Nguyên Hồng siết nắm tay, vẻ mặt kiên nghị, “Ta nhất định phải đón tỷ tỷ và linh vị phụ thân về.”
Đàn Đạo Nhất gật đầu.
Nguyên Hồng thấy chàng không phản đối, bèn dò xét nói: “Tiết Hoàn cũng xem như có công cứu giá Hoàn Doãn, ta muốn đổi Tiết Hoàn lấy tỷ tỷ và linh vị phụ thân về, không biết Hoàn Doãn…”
“Bệ hạ,” Đàn Đạo Nhất ngắt lời Nguyên Hồn, trước mặt Nguyên Hồng, chàng không thể hiện mình có hận ý gì với Tiết Hoàn, sắc mặt rất mực bình thản, lúc này chợt hỏi một câu: “Bệ hạ đã tìm lại được quốc tỉ chưa?”
Nguyên Hồng bất đắc dĩ lắc đầu, “Ta cho người tháo cạn nước hồ sen Hoa Lâm Bồ rồi mà vẫn không thấy bóng dáng quốc tỉ.”
“Hoàn Doãn ngấp nghé quốc tỉ, nghi kị Châu Tuần Chi đã lâu, thần có ý tưởng này…” Đàn Đạo Nhất nói, “Hiện giờ quả thực cũng không ngại giữ lại một mạng cho Tiết Hoàn.