Giữa Ngọn Lửa Cháy - Chương 27: Sông Bagmati
Rạng sáng ngày hôm đó, khi biết tin Tát Na đã qua đời, Châu Lệ Hành rất bình tĩnh. Hắn lặng lẽ ngồi bên giường, thay cho Tát Na bộ quần áo mà ông đã chuẩn bị sẵn, rồi cẩn thận lau sạch cơ thể cho ông.
Lộ Trì Vũ im lặng đứng cạnh hắn. Anh hiểu Châu Lệ Hành và biết rằng lúc này hắn chỉ cần có một người lặng lẽ ở bên cạnh, những lời an ủi quá mức sẽ trở thành gánh nặng cho hắn.
Đến khi trời sáng hoàn toàn, Châu Lệ Hành đứng dậy. Hắn nhẹ nhàng nắm tay Lộ Trì Vũ rồi khàn giọng nói: “Đi thôi, đến sông Bagmati tiễn thầy đoạn đường cuối.”
Lộ Trì Vũ không hiểu rõ phong tục tập quán của Nepal, anh chỉ nghe Châu Lệ Hành nhắc đến vài lần. Anh biết người Nepal và người Ấn Độ có khá nhiều điểm tương đồng, bọn họ coi sông Bagmati là sông thiêng. Người dân ở đây chủ yếu theo đạo Hindu, sau khi qua đời, bọn họ sẽ tổ chức lễ tiễn đưa bên bờ sông Bagmati, để tro cốt trôi ra sông, sông Bagmati sẽ chảy vào sông Hằng, rồi đổ vào Ấn Độ Dương.
(truyện chỉ được đăng tại w@ttp@d: BBTiu4, những nơi khác đều là ăn cắp!)
Lộ Trì Vũ đã thay một cái áo sơ mi trắng trang trọng. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi thật sự đến bên bờ sông Bagmati, anh vẫn không khỏi bị cảnh tượng trước mắt làm cho choáng ngợp.
Con sông thiêng trong lòng người Nepal trông khá cằn cỗi, có thể là do mùa nên nước sông không chảy mạnh, nước khá đục và vàng, trên mặt sông thậm chí còn có rất nhiều bùn và rác thải.
Bên phải sông là ngôi đền Pashupatinath* nổi tiếng, còn được nhiều người gọi là đền thiêu xác. Lộ Trì Vũ nhìn từ xa chỉ thấy đó là một ngôi đền có mái vòm đối xứng bốn mặt, bên cạnh có nhiều ngôi đền nhỏ màu trắng, trông như những vì sao quay quanh mặt trăng vậy.
*Đền Pashupatinath là một tổ hợp đền thờ Hindu giáo linh thiêng và nổi tiếng nằm trên bờ sông Bagmati cách 5 kilômét về phía đông bắc của thủ đô Kathmandu, một phần phía đông của thung lũng Kathmandu, Nepal. Nơi đây là chính đền của Pashupati, một hiện thân của thần Shiva.
Lộ Trì Vũ không rõ quy trình của toàn bộ buổi lễ, nên anh theo sát Châu Lệ Hành, để hắn sắp xếp tất cả. Bọn họ đứng bên bờ sông một lúc, lắng nghe tiếng khóc lóc vọng lại từ xung quanh. Không lâu sau, một số người Nepal mặc áo trắng đã khiêng cáng tới.
Châu Lệ Hành tiến lên trước, trên cáng là thầy Tát Na, trông ông rất thanh thản, toàn thân được quấn trong áo vàng. Lộ Trì Vũ tiến lại gần, anh thấy Châu Lệ Hành quỳ xuống, đặt chân của Tát Na vào nước sông. Hắn dùng nước sông để rửa mặt và chân cho Tát Na lần cuối, sau đó rắc gạo cùng với hoa vào miệng Tát Na.
Theo phong tục của Nepal, đây là sự tiễn đưa và chúc phúc cuối cùng dành cho người đã khuất. Châu Lệ Hành nghĩ rằng mình sẽ có rất nhiều điều muốn nói, nhưng lúc này hắn không nghĩ ra được gì cả. Hắn chỉ vô tình nhớ lại năm mười ba tuổi, khi mẹ hắn qua đời, đó là lần đầu tiên hắn gặp Tát Na. Khi đó, Tát Na đang ngồi trong chùa vẽ Thangka suốt cả buổi chiều, trong suốt khoảng thời gian đó, Châu Lệ Hành chỉ lẳng lặng ngồi bên cạnh xem.
Khi trời đã dần tối, Tát Na quay lại nhìn hắn rồi cười hỏi: “Con đã thấy được gì rồi?”
Châu Lệ Hành im lặng một hồi lâu, một lúc sau hắn mới nói: “Con thấy được sự tĩnh tâm, thầy dạy con vẽ Thangka đi.”
Từ đó, cuộc đời của Châu Lệ Hành gắn liền với tranh Thangka. Tát Na đã cho hắn một con đường hành hương và một cuộc đời mới.
Hai mắt Châu Lệ Hành đỏ hoe, dường như hắn đang cố gắng không để nước mắt rơi. Sau khi hoàn thành tất cả các nghi lễ, hắn quỳ xuống trước mặt Tát Na rồi lạy một lạy. Hắn thì thầm nói: “Thầy, những năm qua, cảm ơn thầy rất nhiều.”
Bên bờ sông có mười mấy cái lò hỏa táng, phần kết thúc của nghi lễ là do con trai tự tay châm lửa để tiễn đưa người đã khuất. Tát Na không có vợ con, vì vậy nhiệm vụ châm lửa cuối cùng được giao cho Châu Lệ Hành.
Lộ Trì Vũ biết rằng với tính cách của Châu Lệ Hành, đến từng tuổi này rồi, hắn đã có thể bình thản mà đối mặt với cái chết. Nhưng hắn là một con người bình thường, khi thật sự cầm đuốc đứng trước lò hỏa táng, hắn vẫn không khỏi run rẩy.
Lộ Trì Vũ đưa tay ra nhẹ nhàng nắm lấy tay Châu Lệ Hành. Anh không dùng sức quá mạnh, chỉ muốn để Châu Lệ Hành biết rằng hắn không cô đơn.
Ngọn lửa từ từ bùng cháy, nhiệt độ của lửa khiến Lộ Trì Vũ theo phản xạ lùi lại một bước, nhưng ngay sau đó, anh nhận ra rằng, thể xác này sẽ theo ngọn lửa mà tàn phai. Những người đứng bên bờ sông đều im lặng quan sát sự việc, không ai khóc thành tiếng cả, hầu hết mọi người đều chỉ lặng lẽ nhìn.
Không biết đã trôi qua bao lâu, cho đến khi ngọn lửa dần tắt, ánh hoàng hôn dần buông xuống, nhân viên phụ trách đưa tro cốt ra sông Bagmati, dòng nước chảy không ngừng mang đi những tâm niệm của người đã khuất.
“Anh vẫn ổn chứ?” Lộ Trì Vũ hỏi Châu Lệ Hành.
Châu Lệ Hành không nói gì, hắn nắm chặt tay Lộ Trì Vũ rồi xoay lại lặng lẽ ôm chặt lấy anh, không nói một lời.
“Cảm ơn em.” Châu Lệ Hành thì thầm bên tai Lộ Trì Vũ: “Hình như từ khi gặp em, anh mới bắt đầu hiểu rằng không ai là hoàn toàn đơn độc cả, anh cũng cần có một điểm tựa.”
Trái tim Lộ Trì Vũ rung lên, anh ôm chặt lấy hắn chắc nịt nói: “Vậy thì hãy dựa vào em này.”
Lộ Trì Vũ thậm chí còn suy nghĩ rằng, nếu Châu Lệ Hành cần, anh sẵn sàng làm dây leo trong cuộc sống của hắn, dù có phải đau đớn đi chăng nữa, anh cũng vẫn sẵn lòng.
(truyện chỉ được đăng tại w@ttp@d: BBTiu4, những nơi khác đều là re-up!)
Màn đêm buông xuống, dòng sông Bagmati bước vào lễ hội lớn nhất trong ngày, lễ hội đêm.
Người ta nói rằng lễ hội đêm được tổ chức để tạm biệt người đã khuất cũng như để cảm ơn thần Shiva* được thờ phụng tại đền Pashupatinath.
*là một trong các vị thần quan trọng của Ấn giáo. Ông là Đấng tối cao trong giáo phái Shaiva, một trong những truyền thống chính của Ấn giáo.
Lộ Trì Vũ nhìn thấy càng ngày có càng nhiều người tụ tập bên bờ sông. Trong số đó phần lớn là người Nepal, còn lại là vài du khách đến từ châu Á hoặc châu Âu.
Châu Lệ Hành và Lộ Trì Vũ không chen chúc trong đám đông, cả hai tìm một vị trí rộng rãi bên cầu. Khi lửa trại được đốt lên, các tu sĩ Brahmin* cầm chuông và đèn cầy bắt đầu chủ trì lễ hội.
*Bà-la-môn hay Brahmin là danh từ chỉ một đẳng cấp. Đạo Bà-la-môn là một tôn giáo rất cổ của Ấn Độ, xuất hiện trước thời Đức Phật Thích-ca.
Tiếng tụng kinh khiến tất cả mọi người đều đắm chìm trong không khí trang nghiêm, khi các tu sĩ rắc hoa lên không trung, hơi thở của Lộ Trì Vũ bất giác ngừng lại.
Người dân hai bên bờ sông đều nhảy múa hát ca theo nhạc, có người cầu nguyện, có người cười đùa. Nếu không nói ra thì không ai có thể nhận ra rằng đây là một buổi lễ tiễn biệt người đã khuất.
“Có muốn mua đèn hoa không?” Châu Lệ Hành chú ý đến một cô bé Nepal nhỏ tuổi mặc đầm xanh đang bán đèn hoa, hắn chỉ về hướng đó rồi hỏi Lộ Trì Vũ.
Lộ Trì Vũ không biết nhiều về những nghi thức ở nơi đây, nhưng anh cũng đã để ý đến cô bé này, anh gật đầu đáp: “Đi thôi.”
Cô bé bán đèn hoa làm những cái đèn hoa với họa tiết rất tinh xảo, ngọn nến cháy trong đêm trông thật dễ thương. Lộ Trì Vũ suy nghĩ một chút, cuối cùng mua bốn cái.
Trong vụ hỏa hoạn 215, anh đã mất bốn đồng đội, vụ việc này như một ngọn núi nặng trĩu đè lên trái tim anh, đó là thứ không thể gạt bỏ, không thể xóa nhòa.
Nhưng giờ đây, bên bờ sông Bagmati, khi nghe tiếng chuông ngân vang hòa cùng tiếng cầu nguyện, tiếng cười của mọi người, Lộ Trì Vũ đột nhiên cảm thấy bản thân đã hiểu được ý nghĩa thật sự của cái chết.
Anh nghĩ, có lẽ đã đến lúc anh nên tha thứ cho bản thân.
Lộ Trì Vũ quỳ xuống, thả những cái đèn hoa trôi dần theo dòng sông, như là lời từ biệt cuối cùng với tất cả những gì đã qua.
Cái chết không phải là sự chia ly, người đi rồi nhưng ký ức vẫn còn mãi ở đó, sự lưu luyến là điều tất nhiên, nhưng học cách chấp nhận lại là bài học cần thiết của người trưởng thành.
Dòng sông Bagmati vẫn chảy mãi, nó sẽ đưa linh hồn đến nơi xa xôi, rồi đưa về bên những người nhớ thương. Chỉ cần vẫn còn nhớ, xem như là đã được gặp lại.