Lọ Thủy Tinh - Chương 36: Ngoại truyện: Góc nhìn của dì
Tôi chưa bao giờ hối hận về những gì mình đã làm, nhưng tôi luôn ôm nỗi hoài nghi về quyết định để Edwin đứng lớp vào mùa hè năm ấy.
Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra giữa cô gái đó và Edwin. Kể từ ngày ấy, Edwin ngã vào yêu. Bạn có thể nhìn ra, tâm sự của chàng trai trẻ không giấu được, cảm xúc nó viết rõ mồn một, ngời ngợi rằng, “Con —— đang —— yêu —— ”, như thế đó, đúng, lồ lộ thế mà. Đôi khi nó qua đêm bên ngoài, thỉnh thoảng tôi và Ginardo bông đùa trên bàn cơm rằng thanh niên có khác. Nó luôn là đứa chững chạc, không biết được nuôi dạy thế nào nhưng quả thực là một đứa trẻ hoàn hảo, hâm mộ Rudolph quá đi thôi. Nó không có gì đáng để tôi nhọc lòng, điều duy nhất tôi dặn là phải chú ý an toàn. Về thú chơi đồng hồ, tôi chỉ cần nó có đủ tiền đóng học phí, bạn phải biết rằng không thể đếm được số lần vài đứa trẻ bị thó đồ trong hộp đêm.
Để tôi ngẫm lại xem, Mia, hẳn là cái tên này. Hồi đó, nó cố hết sức tránh luôn mồm nhắc đến con bé nhưng vòng đi vòng lại vẫn quành về người thương. Khi Ginardo nửa đùa nửa thật hỏi người ấy tốt đến thế à, cậu chàng đã gắng diễn tả cảm giác hoà hợp khi họ bên nhau, nó bảo đó là soul mate (tri kỉ). Bấy giờ, tôi và Ginardo cho rằng đây chỉ là crush (cảm nắng), nhưng tôi đã quên mất sự ngoan cố của đứa nhỏ này. Xưa nay nó luôn làm mọi thứ đến nơi đến chốn, đôi khi đây là điều tốt, có đôi khi chúng tôi xem nó là “tật nhỏ”. Lấy ví dụ, hồi nó cao tầm cái bàn, dùng bút cũng khăng khăng phải viết đến khi không ra mực mới bằng lòng đổi cây khác. Tương tự trong việc ăn uống, nó phải ăn hết một món trước khi món khác bưng lên. Tôi bảo, “Edwin này, món bánh táo yêu thích của cháu nguội tới nơi rồi đấy”. Khuôn mặt nhỏ xinh nở nụ cười, nó sẽ đáp “Cảm ơn dì Julie, cháu sẽ nếm liền”, nhưng vẫn ăn sạch món trước mặt mới đi nhấm nháp món tiếp theo. Tôi đề cập việc này với bố mẹ nó, Rudolph chỉ lật trang báo, phản bác rằng “Kệ nó đi, đây không phải vấn đề to tát.” Tôi tự hỏi liệu ông ấy có còn nghĩ vậy không khi bắt gặp chiếc nhẫn đuôi của Edwin.
尾戒: nhẫn đuôi, chiếc nhẫn đeo ở ngón út, biểu thị sự độc lập, độc thân, cô đơn cũng như quên đi quá khứ. Tại phương Tây nó có nghĩa là “Tôi đang tận hưởng cuộc sống độc thân, đừng lãng phí thời gian theo đuổi tôi.”
Lần cuối cùng Edwin viết thư cho tôi là lúc nó ở Đại học. Như bao bận, nó chỉ sử dụng cách “lỗi thời” này khi đứng trước quyết định hệ trọng. Hình như là năm tốt nghiệp, nó bảo mình muốn đến Trung Quốc. Nó liệt kê kế hoạch nghề nghiệp, đọc đến đây thấy cũng ổn, rồi sau đó nó nhắc đến cô gái kia. Trên thực tế, nó không nhắc nhiều về cô bé ấy. Sau một dấu chấm câu đọng màu, nó viết xuống những lời này —— Nó nói “Cháu còn trẻ, vẫn còn thời gian để mắc sai lầm”. Nó hay chia sẻ niềm vui, nhưng giấu kín việc riêng tư. Bao năm trôi qua, chúng tôi biết lòng nó luôn cất giấu nỗi sầu, nhưng lầm tưởng đó chỉ là sự chông chênh mà ai trong chúng ta cũng gặp phải vào độ tuổi ấy, chúng tôi ngỡ sau vài ngày sẽ biến mất. Thật vậy. Năm nhất nó sụt cân thấy rõ, thằng bé chống chế với lý do thích nghi với trường lớp, điều này nghe có lý. Năm hai nó quay về là Edwin thuở trước. Chẳng mấy chốc, nó giống như bọt khí trong lon Coca hoặc nói đúng hơn, tựa như mặt hồ đón gió. Cách nói năng của nó vẫn như xưa, vẫn thông minh nhưng biểu hiện điềm tĩnh. Vào hôm lễ Phục sinh nọ, tôi gặp nó. Đây là năm nó thành niên, và lần đầu tiên tôi cảm nhận được thằng bé là một người trưởng thành, người có khả năng có bạn gái trong tương lai gần, mấy năm sau sẽ bàn về chuyện cưới hỏi cũng không có vẻ đột ngột. Rudolph và nó tản bộ sau bữa cơm nhằm tiến hành cuộc trao đổi giữa cha và con, và khi trở về, ông ấy bảo “Nó hiểu những gì mình đang làm, tôi bị thuyết phục”. Kể từ ngày ấy, tôi đau đáu nghĩ về những gì nó đã trải qua mới có được sự thấu suốt hiện tại. Điều này thật dụ hoặc, nhưng tôi vẫn muốn dò hỏi tới cùng, là ai đã tôi luyện nó. Tâm trạng ấy phức tạp làm sao, tôi hiểu sớm muộn gì thằng bé cũng cần sự lột xác, nhưng vẫn thấy bất công khi nó có thể được chăm sóc đúng mực mà không cần quá trình này. Rudolph không hé lộ bí mật, thành ra tự tôi đi hỏi. Thằng nhóc nói với tôi đây là nỗ lực cuối cùng, nó đi để đặt dấu chấm hết, nếu kết thúc không lý tưởng, nó sẽ trở về khi mãn hạn nhiệm kì công việc.
Tôi nghe nó mô tả về cô gái ấy, không thể không nói, đích thực là một người phi thường, nhưng tôi chẳng mấy ôm hi vọng về hai người họ. Tôi không nói chi mà chỉ ôm thằng bé, kèm theo lời chúc phúc.
Tôi cầu nguyện cho thằng bé kể từ ngày nó lên máy bay.
Khoảng nửa năm sau, tôi nhận được một tấm bưu thiếp có cảnh Thượng Hải về đêm, tôi dám cá là Rudolph không có vinh dự này. Trên đó chỉ có một câu:
“I found her.” (Tạm dịch: Cháu tìm thấy cô ấy rồi.)
Một lần nữa nhận được thư là chuyện tháng này, kì này có gói hàng đính kèm.
Tôi mở lá thư, bên trong có bốn tấm vé máy bay và hai phong thiệp mời.