Phi Tần Dắng Tường - Chương 50: C50: Quà
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Chương có nội dung bằng hình ảnh
Ta có một món quà tặng em, ngày mai em sẽ nhận được
✾▬▬▬๑۩♡۩๑▬▬▬✾
Đại doanh Tây Sơn, Lý Sâm thực hiện thủ tục bàn giao quân và lương với quan viên Bộ Binh xong thì nhận được thánh chỉ do Quý Hàn Tùng truyền.
Trên thánh chỉ viết ‘Ngày mai Thuần Vương vào kinh, kinh thành mở cửa chính, văn võ bá quan sẽ đến nghênh đón đại quân đắc thắng. Ngoài ra, cho phép Thuần Vương cưỡi ngựa vào cung, ban thưởng mãng bào tím tứ trảo[1]’.
Vẻ mặt Lý Sâm như thường, không nhìn ra chút vui buồn. Hắn nhận thánh chỉ, đứng lên rồi mỉm cười: “Đã làm phiền Quý đại nhân rồi.”
Vốn dĩ Quý Hàn Tùng cho rằng hoàng thượng hứa cho ông ta đi truyền thánh chỉ chỉ là lời hù dọa. Ai ngờ Vương gia thật sự lập công muôn đời, hoàng thượng vẫn trao cho ông cái công việc vẻ vang ấy. Giờ phút này, trong lòng Quý Hàn Tùng đầy tự đắc, khom người cười đáp rằng: “‘Phiền hà’ gì chứ, hạ quan được đi truyền chỉ là may mắn của hạ quan. Vương gia vất vả cả đường, đêm nay toàn thể quan viên dự định sẽ làm tiệc nhỏ trong đại doanh, mong được hân hạnh đón tiếp ngài.”
Hắn cười nhạt: “Này thì thôi. Trên đường bổn vương vô tình dính phong hàn, kiêng rượu thịt. Hôm nay Quý đại nhân cùng các vị cứ thoải mái đi.”
Trong lòng Quý Hàn Tùng lấy làm ngạc nhiên, lại sợ mình đã nói gì sai. Song hắn chỉ bảo rằng: “Quý học sĩ ở Tân Nguyên Quốc lập được đại công, đều nhờ Quý đại nhân dạy dỗ đúng cách. Mai này bổn vương về kinh rồi sẽ mời gia đình đại nhân ghé phủ uống mấy chén.”
Ông ta vội đáp: “Không dám nhận, không dám nhận.”
Bên kia Tề Vân Nhược đang thu dọn lều trại, Lý Sâm đi vào, y tò mò hỏi: “Sao người không đi dự tiệc vậy… ” thì thấy sắc mặt hắn khá tệ, lòng y trùng xuống: “Thánh chỉ hoàng thượng có gì không ổn ạ? Hoàng thượng quở mắng người hay sao?”
Hắn lắc đầu trãi thánh chỉ lên trên giường. Y đọc lướt nhanh qua, từ từ chau mày lại. Tại vương triều, chỉ có hậu duệ thiên hoàng quý tộc được mặc long, mãng; trong khi trang phục huân tước vinh hiển nhất của hàng công tước khác họ chính là kỳ lân. Thân vương được mặc áo rồng bốn móng là chuyện có thật, nhưng rồng bốn móng quá tôn quý, nên mới tránh không mặc. Vài thập niên trở lại đây, thường chỉ có thái tử mới có thể mặc mãng bào tứ trảo; với cả, tím là màu phục sức đế vương, các vương hầu luôn luôn tránh dùng — ban thưởng khác của hoàng thượng hoặc là bách quan tiếp đón, hoặc là cưỡi ngựa vào cung, hẳn là loại ban thưởng cực kỳ vinh hiển. Có điều đặt chung với nhau, thì lại vượt quá vinh dự rồi.
Tề Vân Nhược nhìn vào gương mặt bình thản của Lý Sâm, trong lòng có chút phức tạp. Vương gia đắc thắng về triều, chẳng lẽ hoàng thượng không hài lòng sao?
“Đang suy nghĩ gì thế?” Hắn hỏi.
Vẻ mặt y không giấu nỗi lo âu, nói chuyện lấp lửng: “Lẽ nào, hoàng thượng lo người công cao át chủ…” Giọng y càng lúc càng nhỏ.
“Ha ha — ” Hắn thì lại không nhịn được buồn cười, cười lên ha hả. Y nhìn hắn với vẻ mặt đầy rẫy kinh ngạc. Hắn ôm người ta vào lòng, cười nói: “Thì ra là em nghĩ tới chuyện này.”
“… không phải ạ?” Tề Vân Nhược chớp chớp mắt, dè dặt hỏi.
Cảm xúc của Lý Sâm từ từ lắng xuống. Hắn nghiêng người qua nhìn quyển trục vàng ươm, bình thản giải đáp: “Phụ hoàng chỉ cảnh tỉnh ta thôi, để ta đừng lấy chiến công ra tự mãn.”
Tề Vân Nhược thở dài: “Thì ra là vậy!”
Lý Sâm chẳng hề để bụng: “Thật ra ta đã nghĩ tới nó từ rất lâu rồi.”
“Sao ạ?”
Hắn cười khẽ một tiếng, ấy mà nụ cười ấy lại đôi chút đắng chát: “Trước đây lúc Tam đệ thỉnh binh, phụ hoàng không chỉ không đồng ý còn lên án nặng nề một phen, chẳng ý gì ngoài ý đệ ấy chẳng có tài cán gì lớn bên ngoài. Hơn nữa, quân công đối với hoàng tử bọn ta cả ngày ở kinh thành làm bạn với quan văn mà nói quá là quan trọng, như thể trong số các anh em đang làm quan thường thường xuất hiện một đứa hiển hách hơn. Lúc ta chờ lệnh có nói tình nguyện tới tây bắc với chức Bách Phu trưởng, ý là sẽ không nhằm mục đích thể hiện tài năng bằng cách đạt quân công… ai ngờ ta lại lập đại công ở đó, thanh danh hiển hách… Đây là phụ hoàng nhắc nhở ta, chớ quên ý định ban đầu.”
Y hơi đau lòng. Lý Sâm lắc đầu nói: “Ban đầu ta cũng đâu phải vì danh tiếng ngoài thân mới đi. Những thứ này không cần cũng được.”
Tề Vân Nhược vẫn kiên định: “Thế nhưng dân chúng tây bắc sẽ khắc ghi công tích của người, mười vạn đại quân sẽ khắc ghi, ta cũng ghi tạc trong lòng. Chẳng ai xóa sạch được những điều này.”
Lý Sâm nhìn vào y, nụ cười lại lần nữa trở lại trên gương mặt: “Ừm.”
Sáng sớm hôm sau, Lý Sâm dẫn năm trăm quân sĩ vào kinh. Ngoài cổng thành Chính Dương, bá quan văn võ đồng loạt đứng hai bên. Giờ đã vào ngày xuân, nhưng gió lạnh vẫn căm căm như trước, hắn nhíu nhẹ mày, dẫn người vào thành. Người có địa vị đứng đầu là Đại hoàng tử Cảnh Vương, Cảnh Vương xa xa cười bảo: “Vi huynh tự đến đón ngươi này.”
Hắn vội vàng xuống ngựa: “Đa tạ Đại hoàng huynh. Đệ tài đức gì được ngài đích thân đón đâu.”
Khánh Vương ở phía sau nói: “Phụ hoàng đích thân hạ chỉ, bá quan văn võ đều phải trình diện, đương nhiên các huynh đệ cũng không thể ở trong cung chờ. Ngươi lập công thế này, bọn ta vô năng, làm gì được ngoài thêm mấy bước ra đón ngươi.”
Dung Vương Lý Húc mỉm cười: “Nhị ca, cả năm nay phụ hoàng với mẫu hậu đều nhung nhớ huynh, huynh mang tin tốt về, mẫu hậu được vinh quang theo.”
Khi mà Khánh Vương dứt lời thì tươi cười trên mặt Lý Sâm đã phai nhạt rồi. Hắn vỗ vai Lý Húc, nói: “Ngươi xuất cung, thành thân người làm anh là ta đều không có mặt, cả quà mừng cũng không tự đưa sang được. Về kinh rồi ta sẽ bù lại cho ngươi.”
Lý Húc đáp: “Thế thì tiểu đệ sẽ không khách sáo với nhị ca đâu nhé. Lần này phụ hoàng ban thưởng cho Nhị ca nhiều lắm. Riêng cô cháu thứ ba của đệ trong phủ Nhị ca ấy, ra đời thôi mà phụ hoàng đã thưởng hơn mười thùng châu báu.”
Hắn vừa cười nói vừa theo các huynh đệ vào thành: “Ngươi lên làm chú rồi mà còn ngó nghiêng này nọ của cháu gái nữa à.”
Năm ngoái Tề Nghê Quần sinh con gái thứ hai, tới giờ vẫn chưa đặt tên — Trong lòng Lý Sâm luôn hiện hữu một nỗi tiếc nuối, hắn đã hai mươi hai, đến nay vẫn chưa có con trai trưởng.
Cảnh Vương nhướng nhẹ chân mày, y được ba trai bốn gái, đều do tiểu thiếp sinh. Đoạn thời gian trước, rốt cuộc Xà Vương phi cũng được chuẩn đoán ra là có thai. Thầy thuốc già cùng với bà đỡ giàu kinh nghiệm đều nói khả năng là con trai đến tám phần.
Khánh Vương với Vương phi họ Trương không hợp nhau cũng chẳng phải chuyện bí mật. Khánh Vương thích đao, ngựa và tên; ấy mà Trương Vương phi xuất thân từ phủ Bắc Xương Hầu cũng mê huơ côn múa đao từ nhỏ, vợ chồng bất hòa một cái là đánh nhau luôn — Có lần Trương Vương phi bị Khánh Vương tát trúng, chạy vào cung tìm Nguyên Quý phi kể khổ, khiến Nguyên Quý phi sứt đầu mẻ trán.
Ngược lại, cảm tình giữa Dung vương Lý Húc với Tô Vương phi mới cưới khá tốt, chưa hề thấy nạp tiểu thiếp vào phủ, biểu cảm trên mặt Tô Vương phi vẫn luôn là nụ cười dịu dàng ngọt ngào.
Các trướng sĩ lẫn bá quan văn võ nườm nượp vào kinh, dân chúng quỳ rạp nghênh đón, Lý Sâm nhìn mấy huynh đệ xung quanh mình, thầm chau mày.
“Vương gia thiên tuế!”
“Vương gia là đại công thần Đại Khang chúng ta! Công lao Vương gia muôn đời!”
“Khấu tạ Vương gia đi…”
Nhìn dân chúng bên đường tỏ lòng biết ơn với mình, mặt mày hắn vui tươi nhưng trong lòng lại hiểu những chuyện này có hại với mình hơn là lợi. Không biết người anh người em nào quan tâm, đi tuyên dương công cán mình trong dân chúng nữa….
Cảnh Vương cười: “Nhị đệ không chỉ bảo vệ lãnh thổ Đại Khang ta mà còn đưa tộc Khương quấy rối Trung Nguyên ta mấy trăm năm nay vào bản đồ nước nhà, chả trách dân chúng cảm kích kính yêu.”
Sắc mặt Khánh Vương càng tệ hơn, chỉ có biểu cảm Lý Húc là không đổi, vào cung rồi mới nói: “Bây giờ Nhị ca đến gặp phụ hoàng trước đi. Tiểu đệ tới gặp mẫu hậu trước để báo Nhị ca bình an về rồi.”
“Cảm phiền Tứ đệ.”
Lý Húc bảo: “Huynh với đệ là anh em chí thân, cần gì cảm ơn.”
Cảnh Vương cùng Khánh Vương dẫn đầu nhập tiệc. Lý Sâm thì tới điện Bảo Hòa trước. Khi này hoàng thượng đang chờ bên trong điện, nội giám Hoàng Linh cung kính thưa: “Điện hạ, hoàng thượng đợi ngài đã lâu.”
“Đa tạ công công.” Hắn bước vào cửa, gặp hoàng thượng đang ngồi xếp bằng trên giường nhỏ, liền quỳ xuống từ xa, nghẹn giọng: “Nhi thần bất hiếu… nhi thần đã về.”
Hoàng thượng thở dài: “Con lại đây, để phụ hoàng nhìn xem.”
Lý Sâm lê đầu gối tới, hoàng thượng lấy khăn tay lau mặt cho hắn, bảo: “Cha con ta đã không gặp nhau một năm rồi. Mỗi khi có tiệc trong cung, trẫm cứ thấy chỗ con ngồi trống không là lòng khó chịu. Con lập công lớn, lại nhiều lần gặp nguy, dấn thân vào hiểm cảnh. Mỗi lần trẫm thấy sổ con tây bắc đều vừa hoảng vừa sợ.”
Hắn dập đầu: “Nhi thần khiến phụ hoàng mẫu hậu lo lắng cho mình, bất hiếu tận cùng, chỉ xin phụ hoàng trách phạt.”
Ông kêu Hoàng Linh đỡ hắn đứng dậy, kéo hắn ngồi xuống, nói: “Nhưng thấy con trở về bình an, trẫm không nghĩ tới những chuyện đó nữa. Con muốn được ban thưởng gì?”
Lòng Lý Sâm phát run: “Nhi thần không muốn được ban gì cả, miễn là phụ hoàng mẫu hậu khỏe mạnh…”
Ông thôi nói, chỉ bảo: “Đi gặp tổ mẫu của con đi.”
Hắn hạ giọng hỏi: “Tổ mẫu có khỏe không ạ?”
“Con tự mình đến xem đi. Hoàng tổ mẫu mới là người nhớ thương con nhất.” Ánh mắt ông mang chút bùi ngùi. Ông và mẹ ruột đã xa cách từ nhiều năm về trước, giờ thì rất khó để thổ lộ tình cảm lần nữa.
“Vâng.”
Trước cung Từ An, bước chân Lý Sâm ngập ngừng, rõ ràng muốn gặp tổ mẫu rất lâu rồi, nhưng tới hiện tại hắn lại không biết đối diện với bà thế nào.
Cửa cung Từ An chầm chậm mở ra, một tiểu cung nữ nói: “Điện hạ, thái hậu nương nương đợi ngài rất lâu rồi ạ.”
Sự ngỡ ngàng thậm chí lộ ra trên gương mặt Lý Sâm. Hắn cất bước thoăn thoắt, Lam Thái hậu đang ngồi trên giường nhỏ, mỉm cười với hắn — trong nháy mắt ấy, hắn có cảm giác như mình đã quay về quá khứ. Khoảng thời gian sống ở cung Từ An, lúc đi học hay là lúc tập võ về, bà nội cũng ngồi ở kia hoặc là nhàn rỗi đọc sách hoặc là đã chuẩn bị xong điểm tâm chờ hắn về ăn.
“Tổ mẫu!”
Nhiều tướng sĩ còn chưa đủ công tích để được tiến cung dự tiệc đã về nhà sum họp với người thân. Thế nhưng Tề Vân Nhược vẫn chưa trở về phủ Thuần Vương mà quyết định thừa dịp này đi dạo kinh thành một chốc.
Khi dân chúng ngoài thành nghênh đón Thuần Vương, Tề Vân Nhược theo dõi ở ngay ven đường cách đó không xa. Chờ khung xe chở Thuần Vương đi xa, y nhìn vào các bá tánh đang đỡ nhau đứng dậy, mà mặt mày lo âu — Hôm nay là ngày hội chùa mười lăm, Tề Vân Nhược có chuyện băn khoăn bèn theo đám đông tới một ngôi đền Quan Âm ở bên ngoài.
Năm ba cô gái bình dân[2] kết thành nhóm; thiếu niên tuấn tú tay cầm quạt xếp, đi đứng nhẹ nhàng; các tiểu thương bày sạp ven đường rao hàng tiếng nọ chồng tiếng kia; nhóm phụ nhân đang chọn hương lựa nến ven đường; cũng có cụ bà tóc hoa râm run run kêu người nhà dìu, thành tâm hướng tới đền Quan Âm.
Trên cầu đông người, hiếm xe kiệu, nhưng Tề Vân Nhược vẫn thấy không ít kiệu nhỏ gọn nhẹ hai người nâng luồn lách qua đám đông, kiệu phu thì luôn miệng hô ‘cảm phiền, cảm phiền’. Có người chẳng thèm nể nang gì, nói với người bên cạnh mình: “Mười lăm tháng hai hôm nay còn thấy chưa đủ đông hay sao ấy.”
Y sống mười sáu năm ở kinh thành song chưa từng có cơ hội góp mặt trong khung cảnh như này. Phố phường, tình người, nếp sống xô bồ và sự nhộn nhịp hối hả bao trùm bầu không khí lại khơi gợi cho con người ta cảm giác thanh bình. Tề Vân Nhược nghĩ, thì ra kinh thành to lớn, đông đúc và thú vị như vậy.
Y không nhịn được nên nở nụ cười. Bước vào đền, trong sân có hòa thượng giải quẻ, có sạp bán linh thú khai quang. Y đi vào chính điện nhưng lại không quỳ cúng vái, chỉ bỏ hai đồng bạc trần[3] vào hộp công đức. Một người phụ nữ đang quỳ lạy đưa mắt sang nhìn y.
Tề Vân Nhược cũng nhìn lại, trong lòng bỗng dưng xuất hiện một cảm giác kỳ lạ. Người phụ nữ ấy hơn bốn mươi tuổi, mặc một chiếc áo khoác[4] dài màu vàng sẫm, bên eo có một khối ngọc bích được cố định bằng dải lụa dài, và trên đầu cài bộ trang sức mây trôi điểm thúy — Tề Vân Nhược từng quản lý nhà trong, nhìn lướt qua đã biết phụ nhân này ăn bận xa xỉ, chỉ bộ điểm thúy kia thôi đã khoảng mấy trăm bạc, cơ mà có vẻ dì ấy đã rất khiêm tốn rồi. Tiểu a đầu bên cạnh thì màu da không đều, vóc dáng thấp bé, chỉ nhìn lướt qua đã thấy không giống kiểu người sẽ phục dịch ai đó; gương mặt cổ cũng được trang điểm quá mức sắc sảo, dù là vợ thương gia cũng không kẽ lông mày mảnh như này, son môi đỏ như vậy — đã vậy mà cổ còn xinh đẹp, phong thái ung dung, tinh tế mỹ lệ.
Y nháy mắt mấy cái, phát hiện chẳng có người nào ở gần phụ nhân này, các cô gái khác thà rằng đứng ngoài xa chờ cũng chẳng ai muốn tới cái đệm hương bồ gần bên để lạy Bồ Tát cả.
Cô hầu gái đỡ người phụ nữ đang lúng túng đứng lên. Dì ta cười với y, y lập tức có một cảm giác thân thương khó tả, bèn cười đáp lại.
Ấy mà ngay sau đó, khi Tề Vân Nhược nghe thấy lời người ta thì thầm bàn tán ‘Tú bà lầu Phong Nhã’ thì đờ cả người.
Lý Sâm tựa đầu trên đầu gối Lam Thái hậu, Lam Thái hậu nói khẽ: “Dao nhi là đứa có chính kiến. Nó thông minh không thua gì con, dù ở đâu, nó cũng sống tốt.”
“Con đã từng hứa với nội…”
Bà mỉm cười: “Biết Dao Nhi sống tốt ở tây bắc, con cũng bình an trở về, nội còn buồn gì đâu?”
Hắn im lặng. Bà nhìn vào hắn mà nói: “Giờ thì thần hay quỷ đều xuống núi cả. Bà nội già rồi, có lẽ chẳng giúp gì được cho con. Nhưng nội muốn biết bây giờ Sâm Nhi muốn gì?”
Đối diện với người bà mình kính yêu, Lý Sâm không giấu giếm bất cứ gì: “Con là đích trưởng tử, từng học luận kinh thế*, từng luyện văn thao võ lược. Con không phải người tiêu cực lánh đời, cũng biết lùi một bước có khi là vực sâu — con muốn vị trí thái tử.”
[*kinh thế ; ý chỉ quản việc nước hoặc trãi việc đời; trong nhà nho, là ý chỉ quan tâm xã hội, tham dự chính trị, hướng tới quan niệm thế giới công bằng, hòa bình.]
Tề Vân Nhược ngồi cùng với phụ nhân ấy trong một gian phòng riêng trên lầu hai quán trà. Dì ta nói: “Thiếp không có quý danh gì, họ Dung, người ta gọi là Dung Tam Nương.”
Y hỏi: “Dì biết ta phải không.”
Dung Tam Nương không phủ nhận, đôi mắt khi nhìn vào y chất chứa hoài niệm sâu lắng. Dì ta khẽ cười: “Ban đầu thiếp tò mò thôi, ai ngờ liếc mắt thôi là đã biết thân phận cậu rồi.”
Y cụp mắt, nhất thời không nói được gì.
“Nhắc tới, lần cuối thiếp với mẫu thân cậu gặp nhau đã được mười bảy năm rồi.” Dung Tam Nương nhìn vào y: “Cậu trông giống cô ấy lắm.”
Tề Vân Nhược hồi tưởng về mẫu thân mình, cảm thấy mình với mẹ chẳng hề giống nhau. Dì ta nhớ lại: “Là đôi mắt hai người đấy, thật sự giống như đúc.”
“… Nó sao?” Vẻ mặt Tề Vân Nhược khó hiểu.
Dì ta cười khổ: “Thiếp với Linh Lung sống chung với nhau hơn mười năm trời, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của cậu, thiếp biết mình không nhận sai đâu… Linh Lung là một người có trái tim thất khiếu linh lung*, tiếc rằng cô ấy vừa vấn tóc thì đã ra đi**.
[*chỉ những người thông minh, có trái tim trong sáng, thấu suốt mọi việc.| **vấn tóc mang ý nghĩa là lấy chồng.]
“Dì…” Y nhìn Dung Tam Nương, giọng điệu khẩn thiết: “Dì biết gì? Tại sao bà ấy chết?”
Dì ta im lặng rất lâu sau, rồi thở dài: “Thôi thì đừng biết gì cả, mới có thể sống tiếp.”
Tề Vân Nhược lặng thinh một khoảng thời gian dài, mới hỏi: “Bởi vì Tề Túc Tiêu phụ bạc bà ấy, đúng không?”
“…. Đúng.”
Tề Vân Anh về tới nhà, đầu tiên là bị Tề Túc Tiêu phạt hơn hai mươi roi, rồi bị bắt tới từ đường quỳ. Ông ta chẳng vội vào cung dự tiệc, nghiến răng nghiến lợi mắng: “Đồ nghiệp chướng! Sinh ra để chọc ta tức chết đây mà!”
Bữa nay Tề Vân Sam không phải làm nhiệm vụ. Hắn cũng có chí làm trai, nhưng bởi liên quan tới địa vị, sẽ chẳng bao giờ làm chuyện tùy ý mà lại liều lĩnh bậy bạ như Tề Vân Anh, chỉ khuyên nhủ: “Cha, Nhị đệ đang ở cái tuổi thanh thiếu niên bừng bừng sức sống, làm sai cũng là chuyện thường tình. Cha hãy kiên nhẫn chỉ bảo, em nó sẽ sửa lại thôi.”
Tề Túc Tiêu đập bàn một cách thô bạo, tức chứ: “Con thì biết cái gì! Nhà họ Tề chúng ta, họ Tề không được phép dính dáng ít nhiều gì tới quân quyền! Cái thằng báo hại kia càng có công trong quân đội, ta càng lo hơn nữa kìa!”
Tề Vân Sam thắc mắc: “Tại sao vậy cha?”
Ông hít một hơi thật sâu, bình tĩnh đáp: “Tề gia đánh cờ với hoàng tộc, kết quả chúng ta thua. Mà đã thua thì phải nhìn rõ tình hình.”
Tề Vân Nhược với Lý Sâm gần như là đồng thời trở về phủ Thuần Vương. Nói đúng hơn là Tề Vân Nhược chờ Lý Sâm ở ngoài phủ đặng cùng vào với nhau. Trên người hắn vẫn còn mùi rượu, mà tinh thần của y cũng đã mỏi mệt. Hắn khoát tay nói: “Để mai rồi đến thỉnh an.”
Túc Cáp vội đáp: “Nô tài hiểu rồi.”
Hai người ngâm nước nóng thư giãn. Tề Vân Nhược tựa đầu vào thành bồn tắm, thẫn thờ nhìn vào không trung, còn Lý Sâm thì đắp khăn ấm lên mặt. Bồn tắm cả hai sát nhau, trong nước có thêm tinh dầu an thần. Trong lúc chờ nước ấm nguội đi, Lý Sâm hỏi: “Hôm nay đi đường mệt à?”
“Vâng.” Y trả lời đại.
Hắn cười cười, tiếp tục nhắm mắt nghỉ ngơi.
Khi này như mới sực nhớ, cảm thấy bản thân đã qua loa với Vương gia mất rồi, gương mặt Tề Vân Nhược hơi hơi mất tự nhiên. Y ngồi dậy trong bồn, hỏi: “Hôm nay Vương gia gặp Lam Thái hậu rồi ạ?”
Hắn cười, trả lời: “Tổ mẫu vẫn khỏe lắm.”
Không bao lâu sau đó y trèo ra khỏi bồn nước, lau nước trên mình xong mặc áo lót trắng sạch sẽ vào, rồi lấy tấm khăn kì cọ giúp Lý Sâm. Lúc hai người nằm xuống giường thiu thiu ngủ, hắn bảo: “Ngày mai em phải dậy sớm.”
“Tại sao…” Y còn chẳng mở mắt.”
Tại vì,” Hắn nói: “Ta có một món quà tặng em, ngày mai em sẽ nhận được.”
✾▬▬▬๑۩♡۩๑▬▬▬✾
Chuyên mục chú thích
[1] 四爪紫蟒袍: Như đã phân tích triều đại trong truyện, Trung Hoa cổ đại có hai triều đại sử dụng mãng bào là nhà Minh (bức hình đầu) và nhà Thanh (bức sau). Thời nhà Minh đã có hệ thống ban thưởng trang phục mãng bào cụ thể và nghiêm ngặt, mãng bào Lý Sâm được ban thưởng có kết cấu như trong hình chứ không phải dạng trong hình bởi vì những hoa văn và màu sắc của các mãng bào tượng trưng cho cấp bậc lễ nghĩa khác nhau. Mình không tìm hiểu sâu và ảnh minh họa chỉ để các bạn biết trang phục hai triều đại khác nhau ra sao.
[2]浅闺: âm hán việt là thiển khuê, là một từ do Lỗ Tấn sáng tác. Con gái nhà giàu quyền quý gọi là khuê các (thâm khuê); còn con gái nhà nghèo thì gọi là bình dân (thiển khuê).
p/s: Ai có từ hay mà thuần Việt chỉ tui nha.
[3]银裸子: hình dạng như vầy.
[4] 褙子: Beizi là một loại áo khoác có cổ song song với các đường xẻ hai bên bắt đầu từ nách hoặc ở eo. Nó có thể được cố định ở phía trước bằng dây buộc hoặc nút kim loại. Cực kỳ linh hoạt, nó có thể dài hoặc ngắn, có tay áo hẹp hoặc rộng, và được cả nam và nữ mặc. Vào thời nhà Tống, người ta thường mặc beizi tay hẹp bên ngoài áo lót ngực và váy ; quần (ở giữa). Một tên gọi khác của beizi kiểu nhà Minh là Pifeng 披风. Vòng cổ Pifeng cũng có thể thẳng đứng (không hiển thị).