Shiva - Dạ Hành Đăng Hoa Tiêu - Chương 3: Hương vị
[Dhvani].
Trước khi đi, bố mẹ tôi đã dặn dò đủ điều. Nào là đừng ăn uống ở những quán ven đường, ruồi bâu đen kịt, bẩn lắm… Cũng đừng uống nước lã, uống vào đảm bảo bị tào tháo rượt ba ngày, hệ thống y tế Ấn Độ thì lạc hậu, lúc đó có mà kêu trời trời không thấu, kêu đất đất chẳng hay, muốn khóc cũng chẳng có chỗ mà khóc!
Tôi nói sẽ không đâu mà, cơ thể con khỏe mạnh, mang theo hai vỉ thuốc là đủ rồi, nhiều hơn cũng không nhét vừa vali đâu.
Mẹ tôi sốt ruột, từ ngoài sân chạy vào xem vali của tôi, “Mạng quan trọng hay tranh quan trọng?”.
“Tranh quan trọng ạ.”
“Thằng bé này!” Mẹ tôi mở túi nilon của hiệu thuốc ra, bên trong là cả một núi thuốc, hỏi tôi còn nhét được bao nhiêu nữa. Tôi nói đầy rồi đầy rồi, thật sự là đầy rồi. Mẹ tôi khoanh tay, nhìn quanh căn phòng, hỏi: “Cậu ta có đi cùng con không?”.
“Vâng ạ.” Tôi gật đầu.
“Người đâu?”.
“Nhà học sinh, đang đi “làm công tác tư tưởng” ạ.” Tôi nhìn đồng hồ, “Chắc lát nữa về.”
Bà cụ thở dài, “Bố mẹ thật sự là bó tay với hai đứa rồi, mấy thứ thuốc này nhét vào balo cậu ta đi, đừng có mà quên đấy!”.
Tôi vâng dạ, hứa chắc chắn sẽ mang theo.
Trước khi đi, mẹ tôi còn dặn dò thêm một hồi, tôi kiên nhẫn lắng nghe. Thật ra, họ đã đồng ý cho tôi đi Ấn Độ là tốt lắm rồi. Mấy lần trước tôi thử thăm dò, hai cụ đều nhăn mặt lắc đầu – Đi cái đất nước đó làm gì?
Giờ đây, tôi đang ở Old Delhi, nhìn chằm chằm vào một quầy trà sữa ven đường.
Trà sữa được đựng trong những chiếc ấm đất nung chắc nịch, xếp ngay ngắn trên một chiếc xe đẩy, hương thơm quyến rũ tỏa ra ngào ngạt. Trên tấm biển ghi rõ giá chỉ 5 rupee, nhưng trà sữa cỡ nhỏ lại được đựng trong những chiếc ấm tí hon, người mua không được phép đi quá xa khỏi quầy hàng, bởi vì uống xong phải trả lại ấm.
Con phố nhộn nhịp, ồn ào. Lúc tôi dừng bước, dường như có linh cảm, Thẩm Tự cũng dừng lại, quay đầu hỏi tôi có muốn uống không.
Anh ấy vẫn quay lưng về phía tôi, vai hơi nghiêng, ánh sáng ngược chiều phác họa đường cong cằm thanh tú. Tôi khẽ giật mình, khung cảnh này thật quen thuộc, quen thuộc đến mức khiến người ta hoảng hốt. Phải chăng tôi đã từng mơ thấy… hoặc từng trải qua một cảnh tượng tương tự?
Cùng lúc đó, tôi cũng cảm thấy vô cùng quen thuộc với nơi này, nhưng tôi muốn gọi đó là cảm giác gần gũi hơn. Nó ập vào lòng tôi một cách bất ngờ, như thể mảnh đất này đã không ngừng gọi tên tôi trong suốt hơn hai mươi năm qua, và giờ cuối cùng cũng đã mong được tôi đến, nên mang hết những thứ tốt đẹp nhất ra để chiêu đãi.
“Tiểu Cẩn, muốn uống thì cứ uống đi.” Thẩm Tự bước tới xoa đầu tôi, “Đừng lo lắng quá nhiều.”
Lý trí bảo tôi nên tránh xa, nhưng cơ thể lại không nghe lời. Tôi nghe thấy chính mình nói “vâng”, thậm chí còn tiến gần anh ấy thêm một chút.
Ông chủ quán nhiệt tình mời chào khách, mỗi người chúng tôi được một chiếc ấm nhỏ màu xanh xám, tìm một chỗ râm mát ngồi xuống thưởng thức. Ánh nắng vàng võ xuyên qua kẽ lá, khiến hàng mi của Thẩm Tự trông như hai bông cỏ lau mềm mại.
Anh ấy nhấp một ngụm trà sữa, nhìn tôi mỉm cười, sau đó đưa tay lên vén mái tóc lòa xòa trước trán.
Cạch, hình ảnh ấy trùng khớp với một khoảnh khắc từ rất nhiều năm về trước. Khóe mắt anh ấy hơi cụp xuống, mơ hồ như hình bóng trong ký ức.
Phơi sáng kép đôi.
Chắc chắn tôi bị điên rồi. Tôi thầm nghĩ, sao có thể hỏi một người xa lạ gặp trên đường du lịch có phải bạn trai mình hay không? Thật là vô lý, đúng là gàn dở hết chỗ nói.
“… Ngon không?” Thẩm Tự quay sang hỏi tôi, giọng nói dịu dàng.
Tim tôi đập nhanh hơn. Anh ấy đẹp trai quá, đẹp đến mức phi thực tế… Nếu không có khả năng tự chủ cực kỳ tốt, có lẽ chỉ cần một chút lảo đảo cũng sẽ rơi vào mê trận của anh ấy, không thể nào thoát ra được.
Một người như vậy, cho dù chỉ là thoáng qua, cũng sẽ khiến người ta khó quên, sẽ không ngừng nói về anh ấy với bạn bè, phỏng đoán về anh ấy, nhấm nháp hình bóng anh ấy, hy vọng được gặp lại anh ấy.
Tay tôi nắm chặt chiếc ấm đất, vô thức mơn trớn theo những đường vân ngang dọc, như thể đó là thứ duy nhất có thật ở đây.
“Ngọt ạ.” Tôi nói, “Còn có một mùi thơm thanh mát.”
“Người Ấn Độ thích ăn ngọt, nó tượng trưng cho hạnh phúc bình an, cuộc sống suôn sẻ.” Thẩm Tự không quên bổn phận của một người dẫn đường, nghiêm túc giải thích với tôi, “Ngọt quá à?”
Anh ấy lúc nào cũng đoán được suy nghĩ của tôi.
“Hơi ngọt một chút ạ.” Tôi nói, dù sao ở nhà tôi gọi trà sữa cũng chỉ chọn ba phần đường.
“Cốc của anh không cho nhiều đường mía lắm, đổi cho em nhé.” Thẩm Tự rất tự nhiên lấy cốc trà sữa trong tay tôi, như thể biết chắc tôi sẽ đồng ý.
Quả thật, tôi không hề từ chối. Thẩm Tự đổi cốc trà sữa xong, cổ tay có ý như không xoay một vòng, để hai cánh môi chạm vào vị trí tôi vừa mới chạm.
Mí mắt anh ấy khẽ run rẩy, nếu tôi không nhìn nhầm.
Tai tôi nóng rực, tôi vội vàng uống cạn chỗ trà sữa còn lại, ngồi im tại chỗ đợi anh ấy.
Thói quen này thật không tốt, ăn uống cái gì cũng hùm hụp. Tôi biết, nhưng không sửa được. Trước đây, mẹ tôi rất ghét cái tốc độ và cơm của tôi, cứ bảo từ từ từ từ, như quỷ đói vậy, người ta nhìn vào lại tưởng nhà mình ngược đãi con.
Tôi nghẹn họng, nói con phải tranh thủ thời gian học bài!
“Học bài? Con có cái gì mà học hăng say thế?” Mẹ tôi trêu chọc tôi, “Thôi đi.”
Nhưng tôi thật sự muốn học hành chăm chỉ, vì một lời hứa. Tôi chưa bao giờ học hành hăng say như vậy, bây giờ nghĩ lại, đúng là có chút lụy tình, nhưng mà cũng đáng giá, thức khuya dậy sớm đổi lấy một anh người yêu, quá lời rồi còn gì.
Hồi cấp ba, mỗi tuần chúng tôi có một buổi tối được ra ngoài ăn cơm. Mọi người túm năm tụm ba, nhóm Văn, nhóm Anh đều tự đi với nhau, tôi đi với đám bạn cùng lớp vẽ, chỉ có anh bạn lớp Địa là lúc nào cũng một mình.
Thật ra, cậu ấy cũng đã từng ra ngoài ăn chung với mọi người, nhưng hôm đó tôi bận đi học thêm vẽ nên không tham gia. Sau khi quay lại, tôi nghe các bạn kể xấu cậu ấy. Họ nói anh bạn lớp Địa nhìn thì có vẻ ung dung, tao nhã, nhưng thực ra là một kẻ thích lợi dụng người khác. Hôm đó ăn lẩu, mọi người đều bảo đủ rồi đủ rồi, cậu ta vẫn cứ gọi thêm, EQ thấp quá thể.
Tôi không tin những lời này, chắc chắn là có hiểu lầm gì đó. Anh bạn lớp Địa sao có thể là loại người như vậy chứ. Anh bạn có thể vẽ bằng tay dòng hải lưu toàn cầu là một người hoàn hảo, không cho phép bất kỳ sự phản bác nào.
Vì vậy, tôi luôn muốn tìm cơ hội để hỏi cậu ấy, hôm đó rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Nhưng hỏi chuyện kiểu này cần phải có thời điểm thích hợp, mà tôi lại chẳng nắm bắt được.
Cho đến một hôm, tôi ăn cơm gà xong, vừa ra khỏi cửa đã thấy cậu ấy đứng trước quán trà sữa, ngẩng đầu nhìn bảng thực đơn sáng trưng.
“Anh bạn Địa! Mua gì thế?” Tôi khoác vai cậu ấy, chiếc cặp lập tức trượt sang một bên. Thanh niên mà, lúc nào cũng thích dùng những hành động có vẻ bất cần để che giấu suy nghĩ thật của mình.
“Trà sữa.” Cậu ấy nghiêng đầu, sống mũi cao thẳng gần sát mặt tôi, “Nhận được học bổng, muốn tự thưởng cho bản thân một chút.”
“Chúc mừng chúc mừng! Chưa uống trà sữa ở quán này bao giờ à?”
Cậu ấy cụp mắt: “Chưa.”
“Món này ngon lắm.” Tôi chỉ vào món “Sữa chua xanh Yakult”.
“Ừ.” Cậu ấy đồng ý rất dứt khoát, như thể chưa hề suy nghĩ, sau đó kéo tôi – kẻ vẫn đang vô tư lự khoác vai cậu ấy – đến trước quầy, nói muốn gọi hai ly sữa chua xanh Yakult.
“Hai ly?” Tôi tiếp tục giữ nguyên tư thế trơ trẽn kia.
“Anh, mời em.” Anh bạn lớp Địa mỉm cười, khi cười lên, khóe miệng cậu ấy hiện ra hai lúm đồng tiền, trông rất thư sinh. Tôi đã bị cậu ấy mê hoặc, ngây người để mặc cậu ấy thanh toán.
Học bổng cấp trường cũng chẳng được bao nhiêu. Sau này tôi mới hối hận, lẽ ra nên là tôi mời mới đúng.
Bánh xe bò lăn trên mặt đất, gỗ kêu lên ken két như không chịu nổi trọng tải. Tôi ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt của Thẩm Tự. Anh ấy đã uống xong trà sữa, chiếc ấm nhỏ được móc hững hờ trên đầu ngón tay.
“Lại ngẩn người ra đấy à?”
“Ừm.” Tôi gật đầu, đứng dậy phủi bụi quần, “Chúng ta đi thôi.”
“Được.” Anh ấy ngẩng đầu mỉm cười với tôi, khóe miệng hiện lên hai lúm đồng tiền nông sâu, “Muốn đi xem múa không?”
“Múa gì?”
“Mahabharata, câu chuyện về một triều đại huy hoàng và hỗn loạn.”
Tôi lập tức cảm thấy hứng thú. Vừa hay trong túi tôi có sẵn giấy bút, có thể tranh thủ ghi chép lại một chút. Thẩm Tự dẫn tôi băng qua khu chợ tấp nập, người bán bánh mì nướng naan ra sức mời chào chúng tôi, những ngón tay thoăn thoắt, uyển chuyển như đang nhảy múa trong gió bụi.
Bánh mì naan, những chiếc bánh mì naan đen trắng xen kẽ. Màu trắng là bánh mì, màu đen là ruồi.
Có người phẩy tay áo, lũ ruồi rào rạt bay đi, rồi lại ùa đến như đám mây đen, bao phủ lên những chiếc bánh. Chòi lá cọ xem múa nằm khuất sau quán bánh mì, trước giếng nước. Những người đàn ông, phụ nữ cởi trần, để lộ ngực đi ra đi vào. Trên làn da sẫm màu của họ điểm xuyết những giọt nước mắt bằng vàng, có thể là vàng giả, nhưng không thể phủ nhận vẻ đẹp diễm lệ mà chúng mang lại.
Tôi mở to mắt, bước vào tấm rèm tre mà Thẩm Tự vén lên. Bên trong chòi lá cọ nóng nực, ngột ngạt, tiếng người hoang dã hòa quyện với âm thanh của những nhạc cụ lạ lẫm. Ánh sáng rọi xuống như lưỡi cưa, tạo nên những mảng sáng tối lập lòe. Thẩm Tự có vẻ là khách quen, thong dong đi trước. Anh ấy lấy ngón tay quẹt vào chiếc đĩa gốm, xoay người, vừa lui lại, vừa thoa hai đường màu lên mí mắt dưới, màu xanh lá cây như loài ếch cây.
“Nhập gia tùy tục mà.”
“Tiểu Cẩn…” Anh ấy nhướng mày nhìn tôi, giọng nói có chút nguy hiểm, “Sao không đi theo? Không phải em thích nhất là xem biểu diễn sao?”
Bị anh ấy lôi kéo một cách đường đột, lòng bàn tay tôi bỗng chốc trở nên đỏ như máu. Màu bùn ướt át tan ra, dính chặt lấy mười ngón tay.
Lối vào dài và hẹp, tiếng trống vọng ra từ bên trong càng lúc càng mê hoặc, càng lúc càng cuồng loạn. Thẩm Tự đột ngột dừng lại, tôi từng bước tiến về phía anh ấy, nhưng anh ấy chỉ cúi đầu nhìn tôi, không hề lùi bước.
Vô số ánh mắt lóe sáng trong bóng tối.
Gần đến mức không thể gần hơn nữa, tác dụng phụ của vàng bạc và hương liệu có lẽ là gây ảo giác. Tôi đưa tay túm lấy cổ áo anh ấy, siết chặt từng chút một, để lại trên đó những vết đỏ lốm đốm, như sự vùng vẫy trong tuyệt vọng.
“Thẩm Tự, có phải… chúng ta quen nhau không?”