Thanh Vân Đài - Chương 209
“Tí nữa trưởng công chúa có hỏi vì sao ta lên kinh đã lâu mà không đi bái kiến người, ta phải trả lời thế nào đây?”
“Nếu trưởng công chúa không thích món quà ta đã chuẩn bị thì làm sao bây giờ?”
“Ta và quan nhân đã thành thân, vậy mà chưa dâng được ly trà nào cho trưởng công chúa, liệu người có ghét ta không?”
Xe ngựa chạy băng băng trong cung. Từ lâu trưởng công chúa đã nói muốn gặp Thanh Duy, sau đêm thẩm vấn ở điện Tuyên Thất, Tạ Dung Dữ bù đầu vào chính sự, mãi đến hôm nay mới có dịp rảnh dẫn Thanh Duy vào cung. Thanh Duy thấp tha thấp thỏm suốt đường đi, hỏi liên tục câu này đến câu khác.
Đức Vinh đánh xe ngựa, nghe vậy cười nói: “Thiếu phu nhân cứ yên tâm, trưởng công chúa tốt tính lắm, sẽ không làm khó thiếu phú nhân đâu.”
Lưu Phương và Trú Vẫn cũng góp lời: “Đúng vậy đấy ạ, thiếu phu nhân cứ thả lỏng đi, vả lại lúc thiếu phu nhân không ở kinh thành, công tử đã khen người không ngớt lời với trưởng công chúa, nên trưởng công chúa thích người lắm.”
Thanh Duy ngạc nhiên nhìn Tạ Dung Dữ, “Chàng khen ta với trưởng công chúa á?”
“Ừ.” Tạ Dung Dữ khẽ gật đầu, mỉm cười nói, “Chính xác hơn là kể mấy chuyện hồi bé nàng gây họa ở núi Thần Dương, mẫu thân nghe thấy thú vị lắm.”
Thanh Duy bất mãn: “Sao chàng lại…”
Nàng định chất vấn Tạ Dung Dữ sao lại kể trưởng công chúa những chuyện đó, nhưng nghĩ lại thì y có thể nói gì được nữa đây?
Từ nhỏ đến lớn, nàng chưa bao giờ là đại gia khuê tú ở trong khuê phòng.
“Vì thế,” Tạ Dung Dữ điềm đạm nói tiếp, “Mẫu thân ta biết nàng trưởng thành như thế nào, cũng biết nương tử ta thích là người ra sao. Đến trước mặt bà ấy, nàng cứ là chính mình là đủ, nếu bà ấy hỏi gì thì nàng cứ trả lời, yêu ai yêu cả đường đi, bà ấy sẽ thích nàng cho xem.”
Xe ngựa đến thành Tử Tiêu, lính gác trông thấy Đức Vinh, biết Tiểu Chiêu vương vào cung, thế là không kiểm tra thẻ mà mời bọn họ đi vào. A Sầm cô cô đã đứng chờ ngoài điện Chiêu Doãn, thấy Tạ Dung Dữ, bà đi đến đón: “Trưởng công chúa biết điện hạ vào cung, trước giữa trưa đã gác lại rất nhiều công việc, cố ý dành thời gian giám sát nhà bếp làm đồ ăn đấy ạ.”
Vào trong điện, bên trong xếp bàn chính và bàn phụ, bàn phụ là một chiếc bàn dài dành cho hai người ngồi, quả nhiên trên bàn có rất nhiều bánh ngọt. Tạ Dung Dữ và Thanh Duy hành lễ với trưởng công chúa, ngồi vào bàn phụ, trưởng công chúa nhìn Thanh Duy, từ tốn bảo: “Lần trước Trú Vân vào cung, có nhắc qua sở thích ăn uống của con, bổn cung nhớ con không thích ăn ngọt, bánh khoai môn trước mặt con chỉ rưới ít mật mận, con nếm thử xem có vừa miệng không?”
Thanh Duy nghe lời cắn một miếng, dè dặt đặt xuống, “Vừa lắm ạ.”
Trưởng công chúa thấy nàng rụt rè thì bật cười, càng dịu dàng hơn, “Con không phải người trong cung, nếu bổn cung muốn gặp con thì lẽ ra nên hẹn ở phủ công chúa mới phải, nhưng gần đây trong cung trăm nghìn công việc, bổn cung không phân thân nổi, đành làm phiền con một chuyến vậy.”
Phủ công chúa ở thành đông, cách Giang gia không xa, Tạ Dung Dữ đã dẫn Thanh Duy ghé thăm một lần.
Bây giờ Hoàng hậu đã bị phế, mấy người Di tần vẫn chưa quen việc lục cung, thành thử trưởng công chúa khó mà rời cung.
Tạ Dung Dữ vội xua tay, “Con là tiểu bối, phải là con nên vào bái kiến trưởng công chúa mới đúng, với cả dạo này con cũng rảnh rỗi, đi nhiều cũng không sao.”
Nàng dừng lại, nhớ ra mình đã chuẩn bị quà cho trưởng công chúa, lật đật nhận lấy hộp gấm từ tay Trú Vân, đích thân đem đến đặt xuống bàn của trưởng công chúa. Trong hộp là ba vị tiên nhân Phúc, Lộc, Thọ được khắc từ tủy ngọc, đứng trên bệ gỗ hạch đào, bên cạnh còn có hạc tiên và ao sen tạc từ ngọc, bên trái trồng một cây thông xanh, dưới thông xanh có một bàn cờ vây, quân cờ rải rác trên mặt đất.
Trưởng công chúa thích lắm, thấy hầu hết nhân vật trên bệ gỗ đều làm từ ngọc, chỉ có thông xanh và bàn cờ là kết từ lá trúc, bà tò mò hỏi: “Có phải con tự làm không?”
Thanh Duy đáp: “Vâng ạ.”
Nàng không phải kiểu có thể nhanh chóng kết thân với mọi người, miệng không ngọt và càng không cố ý lấy lòng. Nàng nghĩ một lúc, đoạn nói thật: “Thợ làm ngọc là do Quan nhân tìm giúp con, cả Lưu Phương và Trú Vân cũng chọn chất ngọc cùng con, chỉ có thông xanh và bàn cờ là con tự làm, con không khéo như cha con, không làm được mấy thứ tinh xảo, đã khiến trưởng công chúa chê cười rồi.”
Tuy nàng nói vậy, chứ cây thông xanh nhỏ và bàn cờ trông không khác gì đồ thật.
Mặc dù Ôn Tiểu Dã có tính khí của người họ Nhạc, nhưng sự khéo tay này lại được thừa hưởng từ Ôn Thiên.
Trưởng công chúa bỗng nhớ ra Tạ Dung Dữ có một cây quạt nan tre, nghe nói do Thanh Duy tự làm, luôn đem theo bên người, cho nên càng nhìn món quà trước mắt bà lại càng thích. Thanh Duy thấy trưởng công chúa không nói gì, giống như một cô học trò chờ bị phạt trong học đường, thấp thỏm đứng trước bàn, cho tới khi Tạ Dung Dữ gọi “Tiểu Dã”, nàng mới vội vàng về chỗ ngồi.
Trưởng công chúa bảo A Sầm cất bệ gỗ hạch đào, nói với Tạ Dung Dữ, “Dữ nhi, con ra ngoài đi, ta có chuyện muốn nói riêng với Tiểu Dã.”
Tạ Dung Dữ đã thấy thái độ của trưởng công chúa với Thanh Duy, nghe vậy liền yên tâm đáp một tiếng rồi lui ra.
“Sống ở kinh thành đã quen chưa?” Đợi Tạ Dung Dữ rời đi, trưởng công chúa hỏi.
“Quen rồi ạ, người ở Giang gia cũng rất tốt với con.”
“Sau này thì sao? Có định ở lại kinh thành lâu dài không?”
Thanh Duy ngẩn ra, nàng chợt nhớ lại năm ngoái khi xông vào cung cấm, Tạ Dung Dữ dẫn nàng đến điện Chiêu Doãn, trưởng công chúa cũng hỏi nàng hai câu này.
Ở có quen không? Có định ở lại mãi không?
Lúc đó nàng chỉ có một mình không bị ai ràng buộc, nên trả lời rất dứt khoát, nói mình sinh ở chốn dân gian, chỉ thuộc về dân gian, nhưng bây giờ đã khác, nàng không còn một mình nữa, nàng và Tạ Dung Dữ là vợ chồng kết tóc se tơ.
Thanh Duy nghĩ ngợi, đáp: “Con không biết ạ, con vẫn chưa bàn với quan nhân về chuyện này. Trước kia con cảm thấy kinh thành không phù hợp với mình, nhưng sau khi trải qua những chuyện kia, nhất là đêm thẩm vấn ở điện Tuyên Thất, con cảm thấy kinh thành cũng không đến nỗi tệ như con nghĩ, mà thật ra con ở đâu cũng được, kinh đô, Trung Châu, Thần Dương, hoặc là nơi nào đó xa hơn, tùy ý của quan nhân ạ. Có điều dạo này sư phụ con cứ liên tục gửi thư đến, giục con về Thần Dương sửa mộ cho mẹ, trước đó con còn phải ghé Lăng Xuyên một chuyến, lấy lại hài cốt của cha trong khu mộ tù nhân, nên có lẽ phải đi một năm nửa năm ạ.”
Nói đoạn, nàng như nghĩ đến điều gì đó, vội vàng bảo, “Trưởng công chúa đừng lo, nếu người muốn quan nhân ở lại kinh thành thì một mình con làm những chuyện đó cũng được.”
Trưởng công chúa bật cười, “Hai con là vợ chồng, bổn cung đâu thể giữ Dữ nhi ở lại, để con rời kinh một mình được. Hơn nữa các con đã thành thân, cha mẹ của con chẳng phải cũng là cha mẹ của Dữ nhi sao?”
Bà nhìn Thanh Duy, có lẽ vì tính cách dứt khoát nói đi là đi của Ôn Tiểu Dã nên Dữ nhi mới thích con bé đến vậy.
“Với cả, chưa chắc Dữ nhi nó đã muốn ở lại kinh thành. Con có biết vì sao trong kinh không có phủ Chiêu vương không?”
Tạ Dung Dữ là vương, đáng nhẽ ra năm mười tám tuổi nên mở nha xây phủ, vậy mà giờ đây y đã hăm ba, trong kinh vẫn chưa có phủ Chiêu vương. Chớ nói Thanh Duy mỗi lần lên kinh đều ở Giang phủ, mà nhiều năm qua, ngay đến Tạ Dung Dữ cũng chỉ qua lại ba nơi điện Chiêu Doãn, phủ công chúa và Giang gia.
Triều đình chưa từng bạc đãi Tiểu Chiêu vương, không xây phủ Chiêu vương chỉ có thể là ý của Tạ Dung Dữ.
Thanh Duy hỏi: “Chàng không cho xây ạ?”
Trưởng công chúa khẽ thở dài, “Năm năm đầu khi Dữ nhi mới chào đời, thằng bé luôn ở bên phụ thân nó. Phụ thân nó xuất thân từ Tạ thị Trung Châu, Tạ gia ấy, người này còn bất kham hơn người kia. Thuở trẻ, phụ thân của Dữ nhi đi khắp núi sông, thậm chí vượt qua Cật Bắc lên đến Thương Nỗ, đi qua Đông hải tới cả nước khác. Đi càng nhiều, càng biết về sự hùng vĩ của núi sông Đại Chu, càng không chịu nổi khi có dị tộc chà đạp lãnh thổ. Sau khi phụ thân Dữ nhi ra đi, tiên đế phong vương cho thằng bé, đón nó vào cung ở. Thực ra tính Dữ nhi hồi nhỏ giống phụ thân nó lắm, rất khó kiểm soát, có lần phụ thân và các sĩ tử ngâm thơ ca hát ở Huệ Phong Lâu, nó nằng nặc đòi theo bằng được. Nhưng từ khi Dữ nhi vào cung, tính cách bỗng thay đổi, trở nên trầm mặc ít nói, càng lúc càng trầm tính hơn, ta cứ tưởng vì nó thấy buồn do phụ thân qua đời, nhưng nay nghĩ lại mới thấy không hẳn vậy, chung quy là do tiên đế đã quàng hai chữ ‘Tiển Khâm’ lên người nó, trói buộc nó, thành thử nó chỉ có thể là chính mình trong mấy năm đóng giả làm ‘Giang Từ Chu’.”
“Hồi năm Chiêu Hóa thứ hai, tổ mẫu của Dữ nhi lên kinh thăm nó, Dữ nhi từng bảo ‘có thể theo tổ mẫu về Giang Lưu được không’, chỉ trách ta lúc đó ấy nhận ra đó mới là ý muốn của nó, nó luôn biết mình cần gì, đáng nhẽ ra ta nên đồng ý với nó, nếu vậy về sau đã không…”
Nói tới đây, trưởng công chúa hối hận, “Thế hệ nào nợ thế hệ ấy, vì sao lại áp đặt quá khứ của Thương Lãng Tiển Khâm lên người nó, quá không công bằng.”
Tiếc rằng mãi về sau, trưởng công chúa mới phát hiện, ngoài công văn phê duyệt đề tên Thanh Chấp, Tạ Dung Dữ chỉ dùng Dung Dữ khi gửi thư cho người thân.
Phát hiện y không muốn xây phủ Chiêu vương ở kinh thành, là bởi vì dù y sinh ra ở đây lớn lên ở đây, nhưng y lại thấy bản thân chỉ như khách qua đường.
“Sau khi Tiển Khâm Đài sập, bổn cung nghe đại phu chữa trị cho nó nói, lúc đưa người ra, toàn thân bê bết máu, tay phải đã gãy, bên trái bụng rách một đường, chảy máu gần ba ngày, suýt đã không qua khỏi.”
Đáng sợ nhất là khi bị chôn vùi dưới đống đổ nát tối tăm không ánh mặt trời, không biết sẽ chết lúc nào, chỉ nghe thấy những người xung quanh rê.n rỉ trong đau đớn rồi từ từ mất mạng, cuối cùng đổ hết mọi lỗi lầm lên đầu mình, dẫu được cứu nhưng thân thể đã bị hãm sâu.
Thanh Duy im lặng nghe trưởng công chúa kể.
Nàng chưa bao giờ hỏi Tạ Dung Dữ rằng y đã trải qua những gì khi mắc kẹt dưới Tiển Khâm Đài, vì sợ chạm vào vết thương lòng của y. Nhưng nàng đã thấy vết sẹo kéo dài trên tay và bụng trái của y, thậm chí cũng chạm vào rất nhiều lần, giờ nghe trưởng công chúa kể mới nhận ra, cơn ác mộng quấy nhiễu Tạ Dung Dữ bao năm còn đáng sợ hơn nàng tưởng tượng rất nhiều.
Thanh Duy im lặng một lúc rất lâu, sau đó hỏi: “Làm sao mà quan nhân hết tâm bệnh vậy ạ?”
Nếu nàng nhớ không sai, cho đến một năm trước khi Tạ Dung Dữ tháo mặt nạ giữa tuyết đông lạnh giá, bệnh tình của y vẫn còn rất nghiêm trọng, không thể đứng quá lâu ngoài sáng. Nhưng năm tháng sau, khi bọn họ gặp lại nhau ở Chi Khê, bệnh của y đã chuyển biến tốt hơn nhiều. Căn bệnh suốt năm năm ròng không cách nào chữa khỏi, tại sao có thể khá lên chỉ trong vòng năm tháng ngắn ngủi? Dù như Đức Vinh đã nói, vì Tạ Dung Dữ đã quyết định muốn điều tra rõ sự thật đằng sau Tiển Khâm Đài, nhưng còn cơn ác mộng đã ám ảnh y nhiều năm, còn nút thắt chưa thể tháo gỡ trong lòng y thì sao?
Trưởng công chúa mỉm cười.
Hóa ra Dữ nhi không hề nói hết mọi chuyện cho cô nương này, hóa ra thằng bé vẫn còn lưu lại vài gốc rễ tình, âm thầm gieo vào lòng.
Đúng thế, Tạ Dung Dữ đã khỏi bệnh như thế nào?
Lúc ấy Ôn Tiểu Dã bị thương nặng rời kinh, Tạ Dung Dữ đau lòng dẫn đến tái phát bệnh cũ, thậm chí có khuynh hướng nặng thêm, trưởng công chúa đến chăm sóc y, lại thấy y mệt mỏi dựa vào đầu giường, nói: “Mẫu thân đừng lo, con sẽ khỏe lại thôi.”
Trưởng công chúa chỉ xem như y đang an ủi mình, đang định dặn y nghỉ ngơi thì y lại nói tiếp: “Vì con đã nghĩ rõ một chuyện.”
“Nếu triều đình chưa bao giờ xây dựng Tiển Khâm Đài, nếu Tiển Khâm Đài không sập, thì liệu con có gặp được Ôn Tiểu Dã không?”
“Nên là, nếu không tính đến sống chết của người khác, không tính đến những hậu quả sau khi Tiển Khâm Đài sập, nếu chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, nếu Tiển Khâm Đài sập chỉ là để gặp nàng…”
Tạ Dung Dữ nhắm nghiền mắt, cơn đau tột đỉnh của năm năm trước, hối hận và ác mộng như lăng trì suốt năm năm qua, những ngày tháng không thể ra sáng lướt qua tâm trí, cuối cùng hình ảnh dừng lại ở ngõ Lưu Thủy, có cô gái đội nón đụng đổ rượu của y; trong đêm tân hôn, y cầm gậy như ý vén khăn trùm đầu.
“… Thì con bằng lòng gánh chịu tai họa ấy.”
…
Trưởng công chúa không giải thích, chỉ từ tốn nói: “Không có gì, nghĩ thông rồi thì ác mộng không còn là ác mộng nữa, bệnh cũng theo đó mà khỏi thôi.”
Đoạn, bà cười bảo: “Tiểu Dã à, nếu con và Dữ nhi đã thành thân, vậy sau này gặp ta cũng đừng gọi là trưởng công chúa nữa, gọi là mẫu thân đi.”