Thanh Vân Đài - Chương 214: Kết thúc chính truyện
Lăng Xuyên năm Gia Ninh thứ tám, mưa phùn kéo đến xua tan cái nóng, trời dịu mát hẳn đi.
Sáng ngày mồng chín, quán trà dưới núi Bách Dương vừa mở cửa, một kiếm khách áo vải dung mạo bất phàm bước tới, ông chủ lật đật ra đón, vừa pha trà vừa nói: “Khách quan ăn uống gì không?”
Dường như người kiếm khách rất khát, uống một hơi cạn chén trà, “Không cần, ta đang đợi người.”
Chốc lát sau, một nhóm người từ dưới chân núi đi về phía quan trà bên này, dẫn đầu là một cặp vợ chồng vô cùng bắt mắt, cô vợ xinh đẹp, người chồng dịu dàng. Người áo xanh tinh mắt, vừa thấy kiếm khách trong quán trà thì rảo bước chạy đến, cao giọng gọi: “Sư phụ!”
“Sư phụ đến Thần Dương bao giờ thế?” Ở trong quán, Thanh Duy uống một chén trà, giơ tay áo lau miệng, hỏi.
“Mới đến thôi.” Nhạc Ngư Thất hỏi, “Còn hai đứa?”
Tạ Dung Dữ đáp: “Bọn con tới Sùng Dương từ ba hôm trước, ở lại thành hai đêm, sáng sớm hôm nay mới lên núi.”
Một lúc sau, trong quán lại có thêm khách.
Tuy không ai nói chuyện, nhưng tất cả đều biết hôm nay là ngày gì.
Mồng chín tháng bảy. Năm Hàm Hòa thứ mười bảy, các sĩ tử như Trương Ngộ Sơ, Tạ Trinh nhảy sông; năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Tiển Khâm Đài sập.
Giờ đây Tiển Khâm Đài mới đã được xây sắp sửa gần ba năm, đại án Tiển Khâm đã lắng, tuy nhân sĩ vẫn còn tranh cãi về Tiển Khâm Đài nhưng ngày càng có nhiều người đến cúng tế, đặc biệt là vào ngày mồng chín tháng bảy.
Thanh Duy và Nhạc Ngư Thất ngồi trong quán trà tán gẫu một lúc, Đức Vinh gọi chủ quán tới trả tiền, “Chủ quán tính tiền trà đi, để tôi thanh toán.”
Ông chủ không nhận mà nói, “Hôm nay các vị đến cúng tế đúng không? Quán trà của tôi có một nguyên tắc, người đến cúng Tiển Khâm Đài vào ngày mồng chín tháng bảy thì không thu tiền trà.”
Vừa dứt lời, hội Thanh Duy ngạc nhiên.
Tạ Dung Dữ hỏi: “Ông chủ mở quán trà này bao lâu rồi, sao ngày trước không thấy?”
“Gần được ba năm rồi.” Ông chủ cười bảo, “Hồi trước tôi cũng có mở tiệm bán trà, chỉ là không mở quán nước.”
Ông ta nói tiếng, “Vẫn chưa đến giờ cúng tế, nếu chư vị rảnh rỗi, chi bằng đến chỗ bia sĩ tử tham quan nhé?”
“Bia sĩ tử?”
Ông chủ gọi tiểu nhị tới, đưa bình trà cho cậu ta, dặn cậu ta tiếp khách rồi nói với Thanh Duy: “Tôi và chư vị có duyên, hay là để tôi dẫn chư vị sang.”
Bia sĩ tử được dựng sau núi, tại nơi xây dựng Tiển Khâm Đài cũ, nói là bia nhưng thực chất chỉ là những gò mộ nhỏ. Không biết ai là người đầu tiên lập nên, về sau có người học theo, dựng bia cho thân nhân bạn cũ, dần dà nơi đây trở thành rừng bia.
Thanh Duy nhìn rừng bia trước mắt, trông thấy mộ của các sĩ tử nhảy sông Thương Lãng vào hơn hai mươi năm trước, cũng thấy cả mộ của sĩ tử bách tính mất mạng dưới Tiển Khâm Đài vào chín năm trước. Nàng vừa đi vừa nhìn, tìm được mộ của Từ Thuật Bạch, người lập bia là vợ Từ thị Phù Đông; tìm được mộ của Phương Lưu, người lập bia là phụ thân Tưởng Vạn Khiêm; tìm được mộ của Thẩm Lan, người lập bia là con gái Uyển Uyển; thậm chí nàng còn thấy cả mộ của những chú bác thợ mộc mà nàng quen, người lập bia là bạn hữu Tiết Trường Hưng.
Những người nàng quen biết đã lần lượt tới đây, mang theo nỗi đau có thể đã nguôi ngoai, lập mộ cho người đã khuất rồi lặng lẽ rời đi.
Gió núi thổi lớn, không biết Đức Vinh lấy đâu ra một bó hương, Thanh Duy, Tạ Dung Dữ, Nhạc Ngư Thất, và cả Đức Vinh Triêu Thiên lẫn Lưu Phương Trú Vân cầm hương trong tay, im lặng vái lạy rừng bia mộ.
Ông chủ quán trà dẫn bọn họ đến thấy khung cảnh ấy, như bị gió núi thổi cay mắt, không khỏi đưa tay quệt khóe mắt.
Có lẽ ông ta cũng có quá khứ buồn vui liên quan đến Tiển Khâm Đài, nếu không đã chẳng mở một quán trà ở vùng núi hẻo lánh, gác rất nhiều người một đi không trở về. Nhưng cũng không biết, mà cũng không đào sâu truy hỏi, ai mà chẳng có câu chuyện của riêng mình?
Ở phía trước núi truyền tới tiếng kèn hiệu của quân đội, mọi người tò mò hỏi nhau, “Người của triều đình đến hả?”
“Đông lính thế, khéo là từ kinh thành tới.”
“Người kinh thành? Bọn họ định làm gì? Hay muốn tháo dỡ Tiển Khâm Đài?”
Thanh Duy và Tạ Dung Dữ nghe mọi người xôn xao hỏi nhau, chạy nhanh tới trước núi.
Hóa ra người đến chính là Huyền Ưng vệ, dẫn đầu là hai người mà Thanh Duy và Tạ Dung Dữ quá quen thuộc – chính là Vệ Quyết và Chương Lộc Chi, ngoài ra còn có Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Lễ, thậm chí Tề Văn Bách Châu doãn Lăng Xuyên cũng đi cùng.
Trước khi Tạ Dung Dữ rời kinh, Kỳ Minh đã quay về Điện Tiền Ti, trở thành nhất phẩm đới đao thị vệ của Triệu Sơ, còn Vệ Quyết đã thăng lên làm chỉ huy, cai quản toàn bộ Huyền Ưng Ti.
Tạ Dung Dữ cũng không biết vì sao Huyền Ưng Ti lại đến đây, cũng không biết có phải triều đình không chịu nổi lời chỉ trích của sĩ tử mà quyết định phá hủy Tiển Khâm Đài hay không. Nhưng lần trước Tạ Dung Dữ có gặp Tề Văn Bách, y biết Triệu Sơ không hạ bất cứ văn thư nào cho Lăng Xuyên.
Trong tiếng bàn tán xôn xao của đám đông, Vệ Quyết dẫn thợ mộc leo lên Tiển Khâm Đài, hắn thấp giọng ra lệnh gì đó, nhưng gió trong núi quá lớn, Thanh Duy không nghe rõ, ngay sau đó, Huyền Ưng vệ xua đám đông người xem ra khỏi núi, rồi tiếng rìu đục bệ vang lên.
Muốn phá dỡ Tiển Khâm Đài thật sao?
Có người không kìm nổi hô lên.
Đứng ngoài xa không nhìn rõ chuyện gì trên Tiển Khâm Đài, khoảnh khắc ấy, trong đầu Thanh Duy lại vang lên những âm thanh giận dữ thê lương của người đời đối với đài cao, trong những tháng ngày vùng vẫy truy tìm ánh sáng.
“Cái đài này, không lên cũng được!”
“Nhẽ ra không nên xây Tiển Khâm Đài!”
“Tiển Khâm Đài chỉ là một tòa tháp, nó có gì sai?!”
“Tiển Khâm Đài không nên bị vấy bẩn, nó được xây vì các sĩ tử nhảy sông Thương Lãng, vì những tướng sĩ đã hi sinh ở sông Trường Độ!”
“Trong mắt huynh, Tiển Khâm Đài là gì?”
“Nhưng, nhưng dù là gì, Tiển Khâm Đài cũng không phải Tiển Khâm Đài nữa rồi, nó là Thanh Vân Đài!”
“Trong mắt ta, chỉ thấy Tiển Khâm sạch sẽ, không thấy Thanh Vân.”
…
Kèm theo một tiếng đổ vỡ, động tĩnh ở Tiển Khâm Đài dừng lại, Huyền Ưng vệ ngăn cản mọi người đồng thời rút lui. Đám đông lại ngơ ngác nhìn nhau, lững thững đi về phía trước.
Đứng dưới chân núi, Thanh Duy ngẩng đầu nhìn lên, phát hiện Tiển Khâm Đài không hề bị hủy, tòa tháp vẫn sừng sững nơi ấy, thứ vừa bị tháo dỡ chỉ là cầu thang dẫn lên đài.
Đài cao dựng ba tầng, nhưng giờ đây chẳng còn ai có thể leo lên được nữa.
Thế cũng tốt, dẫu sao cũng đã có người lên Tiển Khâm Đài nhìn rồi, trên đài nào có mây xanh, chỉ có mưa mù không tan.
Mây mỏng trên trời kết thành cơn mưa, mưa phùn giăng mịt mùng, dưới chân núi, không biết ai là người đầu tiên giơ tay, lặng lẽ vái lạy tòa tháp.
Rồi dần dà, sĩ tử, bách tính, Huyền Ưng vệ, đại thần, thậm chí vị quân vương ở kinh thành xa xôi cũng đồng thời chắp tay, vái lạy Tiển Khâm Đài đã mất cầu thang.
Mưa phùn liên miên, có người cúng bái xong rồi rời đi ngay, nhưng cũng có người ở lại, hòng muốn tĩnh tâm trong làn mưa thu.
Thanh Duy nhìn Tiển Khâm Đài qua màn mưa, nhưng ánh mắt lại dán chặt vào chân núi đối diện.
Trong làn sương mờ ảo, nàng trông thấy một công tử mặt mày hiền từ ngồi xe lăn, thư đồng đi sau đeo hộp đựng sách trên lưng, đẩy y rời đi. Công tử ấy có khí chất nổi bật, ánh mắt tĩnh lặng như buông bỏ vạn vật thế gian, chẳng mấy chốc biến mất giữa màn mưa bụi mông lung.
“Nhìn gì thế?” Tạ Dung Dữ khẽ hỏi.
Thanh Duy lắc đầu, “Không có gì, chúng ta đi thôi.”
Tạ Dung Dữ gật đầu, nắm tay Thanh Duy chậm rãi rời đi.
Bụi đã tan và người cũng đã tản, chỉ còn lại mưa khói bay khắp đất trời, phú cho đài cao.
– KẾT THÚC CHÍNH TRUYỆN –