Thường Nga - Chương 2
2. Cha
Có gió trong mắt cha.
“Bất Hối.”
Bị gọi dậy lúc trời vừa tảng sáng, bên tai vẳng tiếng gáy của con gà trống già nhà Tống Nhị, Tạ Bất Hối mở mắt, nghe cha bình thản nói: “Đến giờ luyện công rồi.”
Lời vừa dứt, tiếng bước chân trầm ổn mà nhẹ nhàng đã nhanh chóng đi xa.
Tạ Bất Hối lắc lắc cái đầu hỗn độn, đang giữa đợt rét đậm, nước dưới mái hiên đóng thành băng, là thời điểm quyến luyến giường đệm nhất. Vật lộn hồi lâu mới ngồi dậy xuống giường được, dùng nước giếng lạnh thấu xương rửa mặt, rốt cuộc cũng tỉnh táo được mấy phần.
Đêm qua tuyết rơi, Tạ Bất Hối xỏ guốc gỗ giẫm lên mặt tuyết xốp, tiếng nghe “Kẽo kẹt” khó nghe.
Cha đã đứng bên bảy cọc hoa mai đóng trong sân, tay trái xách hai thanh kiếm gỗ, sau lưng đeo một thanh kiếm dài ba thước đã cởi bao khác. Thân hình cha gầy guộc mà cao ráo, Tạ Bất Hối mười tuổi chỉ đứng đến ngực người, ngẩng đầu thật cao mới có thể nhìn thấy mặt cha.
Tạ Bất Hối nhận lấy kiếm gỗ, đi tới cạnh cọc hoa mai, cọc gỗ cao ngang một người, nó ngậm kiếm gỗ trong miệng, hai tay thuần thục ôm cọc, hai chân kẹp lấy leo lên.
Kể từ khi nó bắt đầu có kí ức, bảy cây cọc hoa mai này đã được dựng trong sân, cha gọi là “cọc thất tinh”, là vật sư môn người dùng để dạy tiểu đệ tử tập võ. Cha rất ít nhắc đến sư môn, Tạ Bất Hối chỉ biết cha bái sư danh môn võ học, chưa kịp xuất sư, sư môn đã suy vi, môn hạ đệ tử tan tác chim muông, cha cũng nằm trong đó.
Tạ Bất Hối lùi chân trái ra sau một bước, giẫm lên một cọc hoa mai khác, bày thế, phía đối diện, cha đã nâng kiếm ung dung nhảy lên cọc hoa mai.
Tiếng kiếm gỗ va chạm không thể vang dội lanh lảnh được như binh khí thực thụ.
Tạ Bất Hối miễn cưỡng tiếp được năm chiêu đã bại, kiếm gỗ bị đánh bật đi, không khỏi ủ rũ.
Cha thu kiếm, vươn tay trái vỗ vai nó: “Luyện công xong cha dẫn con ra ngoài.”
Tạ Bất Hối sải chân trên cọc hoa mai, đứng tấn hai giờ, múa kiếm năm trăm đường. Kể từ nằm sáu tuổi theo cha tập võ đến giờ đều gió mặc gió mưa mặc mưa, bao năm vẫn như một.
Đến lúc nhảy xuống cọc hoa mai thì đã quá trưa, người như vớt từ dưới nước lên, thở hồng hộc, hơi nóng phả ra không khí mùa đông hóa thành khói trắng lượn lờ bay lên rồi từ từ tan biến. Hai tay Tạ Bất Hối chống lên đầu gối, há miệng thở dốc, cha đưa cho một cái khăn, nó nhận lấy qua quýt lau mồ hôi trên mặt.
“Mặc thêm áo vào đi,” Cha nhắc nhở, “Cẩn thận cảm lạnh.”
Lúc rảnh rỗi hoặc thỉnh thoảng một buổi ngẫu nhiên nào đó Tạ Bất Hối không muốn ở nhà, cha sẽ dẫn nó đến chỗ làm việc hóng gió. Cha là tiêu sư của tiêu cục Tứ Hải trong trấn Bạch Thủy, trong đó phần nhiều là người lưu vong cùng đường bí lối, việc buôn bán khi tốt khi xấu, lúc xấu chiếm đa số, khi túng thiếu cha sẽ nhận vài việc chân tay.
Đương nhiên, Tạ Bất Hối rất sùng bái cha, con trai niên thiếu chưa trưởng thành rất dễ tin phục người đàn ông đã trưởng thành mà mình thân quen, chẳng hạn như lúc này…
Một tay trung niên mặt mày đen nhẻm, trên mặt có vết sẹo dài cỡ hai ngón tay, đang trỏ vào cha nó chửi rủa ầm ĩ, nước bọt văng tung tóe, Tạ Bất Hối nhớ tiêu sư bên cạnh gọi người này là “Lão Đặng”, nghe nói khi xưa cũng từng hô mưa gọi gió, sau đó tới trấn Bạch Thủy để lẩn tránh kẻ thù.
Lão Đặng mặt đỏ gay, phỏng chừng có rượu vào nên ăn nói càng lúc càng không chọn lời.
Vẻ mặt cha chẳng có quá nhiều cảm xúc, thanh kiếm ba thước sau lưng đam thẳng lên trười: “Lão Đặng, làm người phải biết chừa đường, tiêu cục sở dĩ lấy tên là Tứ Hải chính là vì mọi người đều đến từ năm sông bốn bể, gặp nhau chẳng dễ nên cần trân trọng, huống hồ anh cũng không chứng minh được là tôi cướp mối làm ăn của anh.”
“Ông ghét nhất cái giọng văn vở này của mày,” Lão Đặng vung tay lên, “Tạ Thất, hôm nay ông huỵch toẹt hết ra thế đấy, cục tức này ông nuốt thế nào cũng không xuôi, mày liệu mà xem giải quyết thế nào đi!”
Cha thoáng trầm mặc rồi đáp: “Vậy vẫn quy tắc cũ.”
Lão Đặng nhếch mép, vết sẹo trên mặt nom càng thêm dữ dằn: “Lại cái trò ‘đao xuất tay thu, một chiêu xóa bỏ’ chứ gì? Tạ Thất, mày có ngông cũng vẫn là kẻ có học, luận về hiểm độc còn xa mới đuổi kịp bọn tao.”
Cha đặt tay trái lên bàn, để lộ cổ tay, lòng bàn tay chằng chịt chai dày do luyện kiếm.
Tạ Bất Hối biết trò xiếc này, tuy biết cha chưa từng thất thủ nhưng vẫn không kìm được căng thẳng.
… Không, thật ra không thể nói là chưa từng thất thủ.
Có tiêu sư mới tới kinh ngạc: “Tạ Thất thuận tay trái à?”
“Cũng không phải,” Người ngoài giải thích, “Nghe nói ngày xưa dùng kiếm bằng tay phải, nhưng chơi trò này bị người ta chém cụt. Tục ngữ nói miếng ngon nhớ lâu đòn đau nhớ đời nhưng Tạ Thất lại cứ không nghe, thế nào cũng phải không đâm tường nam không chịu quay đầu.”
Lão Đặng hai tay cầm đao, giơ cao khỏi đỉnh đầu, mắt lộ vẻ giễu cợt: “Tạ Thất, tay trái mà cũng cụt mất là không còn tay nào để cầm kiếm nữa đâu.”
Cha cười nhạt: “Không phiền anh nhọc lòng.”
Tạ Bất Hối cầm lòng không đậu nhìn về phía cha song không tìm thấy chút nôn nóng bất an nào trên mặt người, ánh mắt người thì lại chẳng hề bình tĩnh, sáng rực đáng sợ. Có gió trong mắt cha, đôi khi, Tạ Bất Hối cảm thấy cha như con chim ưng bị bẻ gãy cánh, nếu chẳng có gì làm vướng chân người, người sẽ cưỡi gió bay đi bất cứ lúc nào.
Đao chém xuống, cắm sâu ba phân vào gỗ, cha giơ bàn tay trái lành lặn không chút sứt mẻ gì lên, tiêu sư hóng hớt chung quanh bặt thinh một chớp mắt rồi nổ tung.
Lão Đặng thở hắt ra một hơi, rút thanh đao chém ngập vào bàn về: “Coi như mày có bản lĩnh.”
Tạ Bất Hối thả lỏng cơ thể căng thẳng xuống, tức khắc cơn mắc tiểu dâng lên, nói một tiếng với cha rồi chạy vào rừng. Vừa kéo quần lên thì đối diện hắt tới một chậu nước lạnh băng, Tạ Bất Hối luyện võ mấy năm đã có nền móng vững chắc, tóm được người đánh lén, đối phương ré lên sợ hãi, lại là giọng của một bé gái.
Nó sửng sốt, tay bất giác buông lỏng, để đối phương nhân cơ hội chạy mất.
Tháng Chạp rét buốt, chỉ một chốc sau mình mẩy đã cóng đến run lên, trở về không khỏi than vãn một phen, cha ngẫm nghĩ rồi nói: “Chắc là con gái lão Đặng.”
Tạ Bất Hối bĩu môi: “Còn nhỏ mà lòng dạ đã độc địa thế rồi.”
Cha nghe vậy bỗng nghiêm mặt: “Bất Hối, chớ khinh thường phụ nữ.”
“Bàn tay này của cha chính là bị phụ nữ chém cụt đấy.” Cha giơ cánh tay phải lên, ống tay áo tuột xuống khuỷu tay, để lộ cổ tay cụt đã sớm khép miệng vết thương, nơi đó chỉ còn lại cái gốc tròn trịa trụi lủi, “Trước đây cha vô cùng tự phụ, lòng tự phụ ấy đã bị chém rụng theo bàn tay phải này.”
Đây là lần đầu tiên cha nhắc đến cổ tay cụt này, Tạ Bất Hối nhìn vết sẹo đan xen dữ tợn, có thể tưởng tượng ra nó từng máu thịt be bét như thế nào, không nhịn được hỏi: “Vì sao cha cứ phải chơi trò đó? Quá nguy hiểm, rõ ràng có biện pháp tốt hơn mà.”
“À,” Cha đáp, “Chỉ là thói quen thôi.”
Giọng cha vững vàng mà ôn hòa, hệt như bình thường, ấy vậy nhưng Tạ Bất Hối lại như trông thấy gió cuốn gào thét trong mắt cha.