Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm - Chương 47: C47: Chương 37
#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_soạn
ĐÊM THỨ BA MƯƠI LĂM
1. Tại sao Tử Cấm Thành không trồng cây?
Có lẽ mọi người đều khá tò mò, tại sao nơi ở của hoàng đế và cũng là nơi tượng trưng cho bộ mặt hoàng gia lại chẳng có lấy một gốc cây to nào? Thực ra không trồng cây là vì muốn hiển lộ khí thế rộng lớn của Tử Cấm Thành, không có cây sẽ tỏa ra được sự uy nghiêm lẫm liệt.
Bên cạnh đó, vào thời cổ đại, sự an toàn của hoàng đế được đặt lên trên hết, nếu trồng quá nhiều cây cối sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, giả sử thích khách chui lẫn vào các tàng cây thì rất khó để phát hiện. Bởi xã hội bây giờ trị an khá tốt nên chúng ta sẽ không nghĩ tới điểm này, song ngày xưa thì không được thế. Nếu hoàng đế muốn ngắm hoa ngắm cảnh thì có thể đến Di Hòa Viên vân vân, còn trong nội cung thì không được trồng cây. Chưa hết, nhiều cây dễ xảy ra hỏa họa, nhất là vào lúc hanh khô, mà một khi nổi cháy sẽ rất khó dập tắt. Ví như có người muốn mưu hại hoàng thượng, chỉ cần phóng một cây đuốc vào lùm cây là hoàng cung sẽ bị cháy ngay. Vậy nên nội cung tuy rộng lớn nhưng vẫn không có bất kỳ cây cối nào, cổ nhân quả rất biết cách nhìn xa trông rộng.
2. Mùa đông không lạnh:
Kiến trúc của Tử Cấm Thành quả nhiên vi diệu, ngay cả vấn đề ấm lạnh cũng được giải quyết nhẹ nhàng dù rằng thời xưa vẫn chưa có sự góp mặt của khoa học kỹ thuật. Bởi dưới lòng đất có một hệ thống thoát nước, song đây cũng chính là hệ thống cấp ấm. Vào mùa đông, các thái giám sẽ dẫn nước nóng đi qua hệ thống này, như thế, hoàng đế ở bên trong sẽ không lạnh nữa.
3. Điện Giao Thái:
Theo như các nhà thiên văn học cổ đại thì bầu trời có tam viên gồm Thái Vi Viên, Tử Vi Viên và Thiên Vi Viên. Tử Cấm Thành được chia thành tiền triều và hậu triều, tam đại điện ở tiền triều đối ứng với Thái Vi Viên, còn hậu triều đối ứng với Tử Vi Viên. Tạm không nhắc tới tiền triều, chỉ đề cập tới hậu triều. Hậu triều cũng có tam đại điện gồm cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh. Trong đó điện Giao Thái về sau mới được thêm vào, thực ra cũng có lý do riêng.
Bởi Tử Vi Viên gồm mười lăm vì sao, nhưng tổng số cung của cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh và các Đông – Tây lục cung hợp lại cũng chỉ có mười bốn cung mà thôi, tựu chung không giống với trời vậy nên mới chêm thêm một điện nữa là điện Giao Thái cho đủ “sĩ số”. Bởi sau này mới được thêm vào nên điện Giao Thái rất nhỏ, nhưng vì ở giữa cung Càn Thanh (tượng trưng cho Dương) và cung Khôn Ninh (tượng trưng cho Âm) nên nó cũng tượng trưng cho “âm dương giao hợp”.
4. Nghe nói đến thăm Cố Cung thì khi trở về không nên về theo lối ban đầu?
Có một “quy luật” có thể nói là bất thành văn song ai cũng biết khi đến Cố Cung: lúc về không được về bằng đường cũ. “Quy luật” này quả khiến người khác tò mò, sao lại có “luật” thế nhỉ? Ắt hẳn rất nhiều người sẽ “phát huy trí tưởng tượng” ví như đi về bằng lối cũ sẽ gặp phải những thứ gì đó không sạch sẽ chẳng hạn, vân vân. Song nguyên nhân thật sự không phức tạp tới thế.
Như chúng ta đã biết, diện tích của Cố Cung rất lớn, bởi nơi đây có quá nhiều người ở nào hoàng đế, phi tần, hoàng tử, hoàng nữ, thị vệ, cung nữ, thái giám, thậm chí cả thái y, đầu bếp, vân vân… Kiến trúc ở đây cũng rất lạ, gần như nơi nào cũng giống nhau. Tôi biết hẳn có rất nhiều bạn khi đến đây, lúc nhìn thấy phong thái của tòa thành uy nghiêm này, nhìn dòng người tham quan như nước, sẽ bất chợt chẳng biết nên bắt đầu thăm thú từ đâu, gần như mỗi một gian phòng đều mang trong mình một đặc điểm, một câu chuyện riêng, song có một điểm chung là chả phòng nào khác phòng nào. Vậy nên đối với những ai không quen thuộc đường đi lối lại thì nơi đây sẽ trở thành mê cung vây khốn người trong đó.
Vậy nên các hướng dẫn viên du lịch sẽ dặn các bạn rằng không nên về bằng lối cũ, cứ đi thẳng và rẽ, cứ vậy bạn sẽ không lạc đường mà còn không bỏ lỡ những địa điểm đẹp. Tóm lại, đây chẳng qua chỉ là một cách du lịch do du khách đúc kết ra mà thôi, chứ vốn dĩ không chứa đựng nguyên do kỳ bí nào cả.