Vị Bắc Xuân Thiên Thụ - Chương 75
Ngoài thành gió thổi tiêu điều, cây cỏ héo tàn, những phiến lá sặc sỡ lìa cành như đang dệt nên miếng gấm trải khắp mặt đất, giẫm lên còn tạo thành tiếng giòn tan.
Bia mộ của Lý nương tử mới nguyên, được dọn dẹp vô cùng sạch sẽ, hẳn vẫn luôn có người coi sóc, lo liệu. Trước mộ có đốt nhang đèn giấy nến, bày mấy món trà bánh mà hồi còn sống Lý nương tử thích ăn. Lý Vị và Trường Lưu cúi người nhổ đám cỏ dại dưới đất, quét hết lá khô ở khe mộ. Hai cha con nhẹ nhàng trò chuyện, ban đầu chưa trông thấy Xuân Thiên, đến khi Xuân Thiên tiến gần hơn một chút, mới phát hiện đằng trước có người nhìn mình chăm chú.
Nàng bây giờ đã váy gấm rực rỡ, đầu đeo chuỗi ngọc bộ diêu, vải áo đẹp nhưng lại cũng dễ hỏng, nên không thể kéo lê trong lớp cỏ được. Thiện Thiện đang dạt đám cỏ cây mọc lổn nhổn chung quanh ra, sợ ngọn cỏ sẽ làm rách làn váy đẹp đẽ quý giá.
“Trường Lưu.” Xuân Thiên mỉm cười vẫy tay với Trường Lưu.
Hai cha con ngồi xổm giữa bụi cỏ, chẳng biết nói chuyện gì, trên gương mặt là nụ cười dịu dàng nhìn người trước mắt. Lý Vị chậm rãi ưỡn thẳng lưng, ánh mắt ôn hòa, Trường Lưu cũng ngạc nhiên xen lẫn vui mừng, chạy nhanh mấy bước qua, hưng phấn nắm lấy tay áo Xuân Thiên: “Chị Xuân Thiên, sao chị lại tới đây!”
Xuân Thiên vươn tay đo chừng chiều cao của cậu nhóc trước người mình, đã đến cằm nàng rồi. Nàng cong mắt người: “Hình như cao lên nhiều rồi đấy.”
“Lâu lắm rồi chị không gặp em.” Trường Lưu ngửa đầu, kiễng chân rút ngắn khoảng cách với Xuân Thiên, giọng điệu có chút tự hào, “Em cao thêm tận mấy tấc, quần áo năm ngoái cũng không mặc được nữa.”
“Lợi hại quá.” Xuân Thiên cười, “Cứ tiếp tục cao như thế, có lẽ sang năm là vượt chị rồi.”
Nàng đặt giỏ trúc xuống trước mộ, dập đầu ba cái, lấy tiền giấy nhang nến từ trong giỏ ra, cười bảo: “Nếu nương tử thấy Trường Lưu đã cao đến vậy, nhất định sẽ rất vui cho xem.”
“Cha nói em có thể cao được như cha đấy.” Trường Lưu bày nhang nến xong, dập đầu với Lý nương tử, “Mẹ, mẹ, mẹ xem, chị Xuân Thiên cũng tới thăm mẹ này.”
“Sao cô lại tới đây.” Lý Vị lau sạch tay, bước đến, đứng chắn hướng gió, đốt xấp tiền giấy trong tay Xuân Thiên.
“Trong nhà không có ai, thím Hoàng bảo hai người đã mang nhang nến ra ngoài, chắc chắn là đi thăm Lý nương tử.” Ánh lửa lập lòe, làm bật lên đường nét khuôn mặt mềm mại bình yên của nàng. Xuân Thiên thấp giọng bổ sung một câu: “Hai ngày trước mẹ tôi đổ bệnh, tôi trông bà ấy, nên mới đến muộn.”
Lý Vị hơi khựng lại, ừ một tiếng: “Không sao.” Rồi hỏi tiếp: “Bây giờ Tiết phu nhân đỡ hơn chưa.”
Xuân Thiên gật đầu: “Tốt hơn nhiều rồi.”
Lý Vị dặn Trường Lưu: “Dẫn chị sang bên cạnh ngồi, để cha làm nốt việc.”
Trường Lưu gật đầu lia lịa, kéo kéo tay áo Xuân Thiên: “Chị ơi, chỗ này cây cỏ um tùm, chúng ta nói với mẹ một tiếng rồi ra ngoài chơi đi.”
Lý Vị bận bịu nửa ngày trời, sửa sang lại phần mộ của Lý nương tử, nghe tiếng nói chuyện của Trường Lưu và Xuân Thiên cách đó ít xa, bèn lấy rượu chay ra rưới lên lên trên mộ phần. Sau đó hắn ngồi xuống, trầm mặc nhìn tấm bia chăm chú, vươn tay ra vỗ vỗ.
Trường Lưu và Xuân Thiên lại quay về xem Lý Vị, thấy hắn ngồi cô độc trước mộ bia, hai tay dính đầy bụi kê lên đầu gối.
Sắc mặt hắn bình tĩnh, cặp mắt phẳng lặng tựa hồ không buồn không vui, nổi bật khuôn mặt như dao khắc, đông lại thành đá. Cỏ hoang, nấm mộ, trời xanh, gió lạnh, đều như đang làm nền cho hắn.
Khoảnh khắc ấy, Xuân Thiên thầm nghĩ rằng, ta thật sự không có cách nào buông bỏ ngài ấy.
“Cha, cha mệt sao ạ?”
“Ừ, có một chút.” Lý Vị đứng dậy, “Nói với mẹ con vài câu nữa đi, chúng ta về nhà.”
Xuân Thiên im lặng lấy từ trong tay áo ra một tấm khăn đưa cho Lý Vị, thoáng nhìn bàn tay đầy bụi của hắn. Lý Vị lắc đầu không nhận khăn, cầm lấy góc áo cúi đầu lau ngón tay mình.
Cúng mộ xong, đoàn người trở về, sau lưng Trường Lưu và Xuân Thiên nói chuyện rôm rả, tiếng nói lanh lảnh mà thú vị. Hắn dắt Truy Lôi đi phía trước, đến cổng phường thì nói với Xuân Thiên: “Đi vào uống chén trà.”
Xuân Thiên giương mắt nhìn sắc trời, do dự chốc lát, Trường Lưu kéo tay áo Xuân Thiên: “Chị, vào nhà ngồi nhé.”
Nàng nhìn Trường Lưu, lại nhìn Lý Vị, quay đầu nói với Thiện Thiện: “Thiện Thiện, em về trước đi, nếu phu nhân lo lắng, nhớ bảo với bà ấy lát nữa chị về ngay.”
Thiện Thiện lên tiếng đáp. Đôi mắt gợn sóng trong veo của Trường Lưu nhìn Xuân Thiên, liếc qua Thiện Thiện đã chạy ù đi, lẳng lặng kéo tay Xuân Thiên bước về nhà.
Nhĩ phòng uống trà vẫn giữ cách bày biện như xưa, tuy nhiên đã thiếu đi mùi thuốc. Dưới giường đất là bếp lò nhỏ bập bùng cháy, trên bàn có mấy quả cam mới vỏ óng ánh. Lý Vị canh bếp lò chờ nước sôi, Xuân Thiên ngồi mấp mé ở chiếc giường đất sau hắn, hai chân buông xuống dọc thành giường, nhỏ giọng hỏi: “Hôm đó ngài đi lúc nào?”
“Vừa vào thành là ta đến nhà Lục nương tử đón Trường Lưu.” Lý Vị đưa lưng về phía nàng, “Hôm đó có chuyện tìm ta sao?”
“Không có gì.”
Lý Vị xoay người pha trà cho nàng: “Hôm đó nghe cô gọi mẹ, cô và họ… ở chung tốt chứ?”
Xuân Thiên tập trung, gật gật đầu: “Rất tốt, mẹ rất tốt rất tốt với tôi…”
Lý Vị ngẩng đầu nheo mắt nhìn nàng, lặng lẽ đưa chén trà tới tay nàng.
Nàng cắn môi, chớp hàng mi đen che đi ánh mắt.
“Trước sau gì cũng có một ngày phải đối mặt.” Lý Vị nói giọng nhàn nhạt, “Những việc cô lo nghĩ, người và chuyện ở Trường An, thực ra không quá mức đáng sợ, đúng chứ.”
Đúng là không đáng sợ, nàng phát hiện bản thân ứng phó được. Nhưng nếu có thể, nàng không muốn phải một mình đối mặt.
Lúc này Trường Lưu bước vào từ nhà chính, trong lòng ôm mấy quả lựu to nặng trĩu, vỏ đỏ tươi một nửa: “Chị Xuân Thiên, mình bóc lựu ăn đi.”
Xuân Thiên cười đón lấy: “Lựu to quá, ở đâu đấy?”
“Cô Chu cho đấy ạ, anh Hoài Viễn sắp thành thân rồi.” Trường Lưu cười hoan hỉ, “Mấy ngày nữa cô Chu sẽ mời em với Gia Ngôn đến phòng tân hôn ngủ. Chị và cha về đúng lúc, mọi người cùng đi ăn cưới được rồi.”
Xuân Thiên kinh ngạc, mắt trợn tròn: “Anh Hoài Viễn với Thục Nhi sắp thành thân ư?”
“Ừ, đã ấn định vào ngày mười lăm tháng này, còn mấy ngày nữa thôi.” Lý Vị nói, “Đội ngựa thồ mang từ Tây Vực về một sọt lựu Quy Từ lớn để Chu gia trang trí phòng cưới, phần dư chia cho bọn nhỏ.”
Lý Vị nhớ tới một chuyện: “Hôm qua gặp Hoài Viễn, cậu ấy biết chúng ta về, còn hỏi ta về cô. Nếu cô ở đây thì muốn mời cô đến làm phù dâu cho Thục Nhi, không biết cô có đồng ý không?”
“Tôi đồng ý.” Lòng Xuân Thiên ngập tràn sung sướng, ôm Trường Lưu vui vẻ ra mặt: “Tôi muốn đi tìm chị Thục Nhi, việc mừng như thế, thật sự tốt quá.”
Nàng lại nói: “Tôi nhớ việc cưới xin đã định là cuối năm nay, ảnh hưởng xương cốt, e là không qua nổi cuối năm nên hai nhà muốn làm sớm, tránh bỏ lỡ về sau.”
Cụ bà Phương gia nay hơn chín mươi tuổi, Xuân Thiên cũng từng gặp một lần. Cụ đầu bạc quắc thước, thích nhất là đám con nít ồn ào. Xuân Thiên nghe nói thế, lẫn trong niềm vui khó tránh thêm đôi phần buồn bã: “Giờ này năm ngoái tôi còn nói chuyện với cụ bà, tôi sẽ đi thăm cụ.”
Nói tới đây, Xuân Thiên nhìn hai cha con trước mặt, mấp máy môi, giọng nghiêm túc: “Mười ngày nửa tháng nữa, tôi cũng phải đi rồi… đi theo mẹ về Trường An.”
Hai cha con đều lặng im, Trường Lưu nhíu mày, trong mắt đầy vẻ bịn rịn: “Chị…”
Xuân Thiên nhìn nét mặt bình tĩnh chẳng chút xao động của Lý Vị, hắn vẫn điềm nhiên bóc vỏ lựu cho hai người. Lòng nàng chua xót, thầm thở hắt một hơi, mỉm cười nói với Trường Lưu: “Trước kia là chị làm sai, giấu giếm mọi người. Thực ra chị có mẹ, có nhà cậu ở Trường An, tự chị chạy ra ngoài, bây giờ mẹ chị đến thành Cam Châu tìm chị.”
Trường Lưu mím môi, ngoan ngoãn nói: “Em biết, cha nói chị xuất thân từ gia đình danh giá ở Trường An.”
“Không phải. Chị cũng là người bình thường thôi. Chỉ là sau đó mẹ chị lấy quý nhân, không liên quan gì đến chị cả.” Xuân Thiên nghiêng đầu, nhận đĩa hạt lựu trong suốt Lý Vị đẩy sang, “Nhân lúc chị còn ở Cam Châu, phải tới tìm Trường Lưu chơi nhiều hơn thôi.”
Trường Lưu rầu rĩ, bất thình lình nhớ ra gì đó: “Em còn một con ngựa muốn tặng chị, đã lớn rồi, được chú Quảng dẫn đến trại ngựa nuôi.”
“Hả? Có phải con ngựa màu đỏ không?” Xuân Thiên cười, “Cha em từng nói với chị, con ngựa này cực kỳ xinh đẹp, chị nhất định phải đưa nó về Trường An.”
“Hôm khác ta sẽ dẫn ngựa về cho cô.” Lý Vị đột nhiên nói, “Cô sắp đi… Cam Châu cũng không có gì để cô mang về.”
“Không cần đâu.” Xuân Thiên gượng cười, hồi lâu sau nàng nói: “Vậy đã tốt lắm rồi.”
Ngồi một lát, Xuân Thiên thấy sắc trời dần tối, bèn bảo: “Không sớm nữa, tôi về trước, ngày khác lại đến chơi.”
Hai cha con cùng tiễn Xuân Thiên về, sóng vai đi trong hẻm Người Mù.
Mùi khói trong hẻm nồng nặc, trước cửa mỗi nhà phơi mứt quả hồng đỏ rực lửa. Khói bếp lượn lờ, mùi cơm canh theo gió xộc vào mũi, là hương thơm món thịt dê hầm.
Xuân Thiên hít sâu, Trường Lưu cũng hít hà, hai người cùng đi cạnh nhau, hai đứa trẻ nhìn nhau cười: “Thơm quá.”
“Chắc mẩm là ông tú tài rồi.” Trường Lưu cười, “Thịt dê ông hầm không ngon bằng cha em làm đâu.”
Xuân Thiên gật đầu tỏ vẻ tán thành.
Đầu hẻm Người Mù có cỗ xe ngựa vừa rộng rãi vừa xa hoa đang đỗ, Thiện Thiện và phu xe ngồi trên xe đợi người. Trông thấy Xuân Thiên bước đến, cô bé xách váy chạy lên: “Phu nhân bảo em đến đón chị về nhà, xe ngựa không vào được, em bèn ngồi ở đây chờ chị ra.”
Xuân Thiên cáo biệt hai cha con: “Hai người về đi.”
Lý Vị nhìn nàng xoay người, gọi nàng lại: “Hôm sau các anh em trong đội ngựa thồ sang nhà uống rượu. Cô có muốn đến chơi không?”
Lý Vị nói, “Coi như trước khi đi, nói lời tạm biệt với họ.”
Xuân Thiên gật đầu nhấp môi: “Được.”
Trở lại biệt quán, Tiết phu nhân đã bày sẵn thức ăn trong phòng từ sớm, thấy Xuân Thiên và Thiện Thiện về, bà dịu dàng nở nụ cười yếu ớt: “Về rồi à, bên ngoài có lạnh không, nhà ân công khỏe cả chứ?”
Bấy giờ có tỳ nữ bước lại giúp Xuân Thiên thay đồ rửa tay, xông hương dâng trà.
Xuân Thiên bị một đám tỳ nữ vây quanh, thấy mẹ mình bưng trà nóng đến, nhìn kỹ thần sắc Tiết phu nhân, cảm thấy khá hơn nhiều so với vài ngày trước, nàng đưa tay nhận chén trà: “Trời hôm nay đẹp, cũng khá ấm ạ.”
Nàng nghĩ nghĩ: “Lý Vị và Trường Lưu đều rất khỏe.”
“Đáng lẽ mẹ cũng phải đi bái kiến ân nhân.” Tiết phu nhân cười, “Con lại cứ không cho mẹ ra ngoài.”
“Không sao, con đi thăm họ mà.” Xuân Thiên nói, “Đợi thêm mấy ngày nữa mẹ khỏe thì lại đi.”
“Phải chuẩn bị nhiều quà cảm ơn một chút.” Tiết phu nhân tính toán, “Chọn món nào phù hợp, không biết ân công thích gì…”
“Mẹ, mẹ gọi ngài ấy là Lý Vị được rồi.” Xuân Thiên thấy không được tự nhiên, bất đắc dĩ bảo, “Ngài ấy chính là Lý Vị.”
“Thế sao được, dù gì ngài ấy cũng lớn hơn con mà.” Tiết phu nhân cười nắm tay Xuân Thiên, tạm thời gác việc này sang bên: “Đói bụng rồi nhỉ, chúng ta ăn cơm trước đã.”
Từ khi tỉnh dậy sau sự kiện sốt ruột đến độ nôn ra máu, Tiết phu nhân càng lúc càng xa cách Tĩnh vương, càng lúc càng chu toàn với Xuân Thiên. Hai mẹ con cùng ăn cùng ngủ, họa chăng vì nỗi sợ có được mà lại lần nữa đánh mất, cũng vì muốn bù đắp nhiều hơn cho Xuân Thiên, tất cả mọi chuyện đều bà tự thân tự lực, che chở Xuân Thiên không mất một sợi tóc.
Vốn dĩ bà đã tâm như tro tàn. Nhưng khi gội đầu tắm rửa cho Xuân Thiên, phát hiện vết thương trên lưng con gái, cùng mái tóc không búi cao nổi của nàng, nghe nàng kể về cuộc sống màn trời chiếu đất nơi đồng hoang trong lúc lơ đãng, nửa đêm khêu đèn thấy nàng ngủ với tư thế cuộn tròn người, cũng có thể tưởng tượng hành trình gian khổ con gái bà đã đi qua. Trái tim lạnh lẽo buốt giá dần dần tích tụ sức lực, bà biết điều đó là gì.
Cả đời bà tới tận bây giờ chỉ mãi nhu nhược, rất ít tự quyết định. Sau khi hoàn toàn tỉnh ngộ, bà đã biết con đường về sau phải đi thế nào.
Bà đã phụ trượng phu mình, nên không thể khiến con gái thất vọng.
Cả bàn thức ăn thịnh soạn, tỳ nữ quay chung quanh, Xuân Thiên không phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Nhìn Tiết phu nhân bận trước bận sau, lòng nàng bất lực, cũng chỉ đành cười đón nhận.
Trên bàn có món bánh hoa ngũ sắc, là Tiết phu nhân dặn phòng bếp làm riêng cho Xuân Thiên. Lúc này bánh được bưng tới trước mặt nàng: “Mẹ nhớ hồi bé con rất thích ăn bánh hoa nên đã bảo phòng bếp làm một phần theo khẩu vị của con. Nữu Nữu nếm thử xem.”
Đĩa bánh hoa trông nhỏ nhắn tinh tế, Tiết phu nhân đoán rằng Xuân Thiên sẽ thích, cười nhẹ nhàng lấy ra một miếng đưa đến bên miệng Xuân Thiên.
Sắc mặt Xuân Thiên đột ngột thay đổi, xoay đầu, vươn tay khẽ đẩy miếng bánh ngọt Tiết phu nhân đưa qua.
Tiết phu nhân không ngờ được phản ứng ấy của nàng, nhìn mặt mũi con gái trắng bệnh, bà cầm đôi đũa luống cuống tay chân, không biết phải giải quyết thế nào.
Xuân Thiên bắt gặp vẻ mặt của mẹ, vội vàng giải thích: “Lúc nhỏ ăn nhiều quá… có lẽ là ngán rồi, sau này lớn lên không thích ăn món đó nữa…”
“Được… được… vậy không ăn, mẹ bảo người bưng xuống.”
Có lẽ hai mẹ con không ở chung trong một khoảng thời gian dài, đứa nhỏ bất tri bất giác đã trưởng thành, độc lập có chủ kiến. Nhưng người làm mẹ, chưa bao giờ quên dáng vẻ thuở thơ ấu của nàng.
(còn tiếp)